Vạch trần ‘bản đồng thuận 10 điểm’ của Trung Quốc

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 23-6 đã phân tích “bản đồng thuận 10 điểm” này như sau:

Hai điểm 1 và 2 nêu quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Điểm 1 nêu hai bên chuẩn bị 25 năm ngày thiết lập quan hệ. Điểm 2 nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ ASEAN, kêu gọi ASEAN ủng hộ Trung Quốc và nhấn mạnh “vai trò quan trọng” của Bắc Kinh trong hợp tác khu vực. Hai điểm này nằm trong nỗ lực truyền bá luận điệu vấn đề biển Đông phải được đặt vào bối cảnh quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Bốn điểm 3, 4, 5, 6 nêu các việc hai bên cần cùng giải quyết trong vấn đề biển Đông. Điểm 3 nêu hai bên cùng làm việc để duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. Điểm 4 nêu hai bên sẽ “giải quyết thích đáng vấn đề biển Đông”.
Điều này thể hiện ý đồ xoa dịu của Bắc Kinh bằng cách đặt vấn đề biển Đông trong quan hệ rộng hơn.

Điểm 5 nêu hai bên cam kết tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tích cực lấy ý kiến về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để thông qua nhanh nhất. Điều này lặp lại quan điểm của Bắc Kinh rằng chú trọng tuân thủ DOC thay vì thúc đẩy COC.

Điểm 6 lưu ý hai bên tuân thủ các văn kiện quan trọng gồm Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), năm nguyên tắc sống chung hòa bình và thỏa thuận hữu nghị và hợp tác trên biển Đông. Đáng chú ý là Trung Quốc vừa đề cập UNCLOS là văn kiện quốc tế vừa dẫn tài liệu khu vực và quốc gia như năm nguyên tắc sống chung hòa bình.

Bốn điểm cuối đề cập vai trò của các bên về vấn đề biển Đông. Điểm 7 nêu các nước “liên quan trực tiếp” sẽ giải quyết tranh chấp thông qua tư vấn hữu nghị và thương lượng, không đe dọa sử dụng vũ lực. Điều này phù hợp quan điểm của Trung Quốc là thỏa thuận song phương.

Điểm 8 nêu “các bên liên quan” kiềm chế, ngừng các hoạt động làm phức tạp và gia tăng tranh chấp. Điều đáng chú ý là câu “thực hiện các biện pháp đề phòng thích hợp để xử lý các nguy cơ trên biển” (như lập đường dây nóng, áp dụng Quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES)…

Điểm 9 nêu hai bên sẽ tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông của tất cả các nước và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây là điểm chuẩn có trong hầu hết các tuyên bố chung ASEAN.

Điểm 10 kêu gọi “các nước ngoài khu vực giữ vai trò xây dựng để bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực”. Điểm này không gây bất ngờ vì Bắc Kinh luôn cáo buộc Mỹ can thiệp vào tranh chấp biển Đông.

Tạp chí The Diplomat kết luận:

- Thứ nhất: Tài liệu không có gì mới, vẫn là các quan điểm chung chung nhằm chứng tỏ Trung Quốc tôn trọng tinh thần tập thể của ASEAN và cần duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không.

- Thứ hai: Có nhiều điều không được nêu như tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế các hành vi như cải tạo đất. Đây là hai vấn đề đặc biệt gây căng thẳng trên biển Đông.

- Thứ ba: Hầu hết các nước ASEAN không thể ký vào văn kiện này để thay cho tuyên bố chung của ASEAN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm