Ngày 1-2, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí về kết quả đạt được năm 2017 và trọng tâm công tác của ngành TN&MT trong năm 2018. Theo đó, năm 2017, Bộ đã tập trung thể chế hóa các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên.
Về cải cách thủ tục hành chính, trong lĩnh vực đất đai đã giảm được 40%-50% thời gian làm thủ tục, tinh giản trên 50% thủ tục. Bộ cũng báo cáo Chính phủ cắt giảm các thủ tục kinh doanh không cần thiết.
Về ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ đã tổ chức “hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững ĐBSCL có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, người dân, đối tác trong khu vực và thế giới. Sau hội nghị đã ban hành nghị quyết để chuyển hóa những thách thức về biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL thành khu vực phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó cũng tập trung giải quyết những vấn đề môi trường tồn tại từ trước, khắc phục các tồn tại, đi vào sản xuất như Formosa (Hà Tĩnh), Lee&Man (Hậu Giang)...
Về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông nhấn mạnh là đất nước bước sang giai đoạn mới, cần phải đổi mới về mô hình phát triển, đổi mới trong nhận thức về bảo vệ môi trường theo tinh thần xây dựng nền kinh tế sạch. Tức ngay từ lúc chủ trương đầu tư, trình dự án đã phải tính đến công nghệ sản xuất, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ giám sát môi trường… như thế giới đã thực hiện lâu nay là lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính.
Giai đoạn tới phải quản lý môi trường ngay từ đầu dự án, phân ra các loại hình công nghiệp có tiềm năng ô nhiễm, các dự án công nghệ lạc hậu thì phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt bằng biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật. Và tốt nhất là nên loại trừ loại hình công nghiệp ô nhiễm, không đầu tư. Đồng thời hết sức tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư loại hình công nghiệp thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái tạo tài nguyên… bằng cách cải cách, đơn giản thủ tục để thu hút họ vào đầu tư.
Theo ông Hà, Bộ TN&MT đang tăng cường giám sát môi trường đối với cơ sở có nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu, hay khả năng xảy ra ô nhiễm môi trường bằng nhiều giải pháp đồng bộ như quan trắc tự động ở các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp có lượng nước thải, khí thải, chất thải lớn… Cùng với đó là tăng cường các biện pháp phòng ngừa không để các sự cố môi trường xảy ra.
Ông cũng cho hay sẽ tập trung sử dụng các biện pháp, quy trình quản lý môi trường với từng loại hình dự án. Chẳng hạn đối với công nghiệp gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu thì phải tập trung quản lý chặt chẽ. Nhưng đối với công nghiệp thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại… thì phải tạo cơ chế khuyến khích phát triển. Tức tập trung giải quyết bộ phận có tiềm năng ô nhiễm cao hơn, gắn với trách nhiệm giám sát, đánh giá của các cấp theo quan điểm đã được quán triệt là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.