Nhắc lại ý kiến của mình hai năm trước, ông Thưởng nhận xét cán bộ, đảng viên có xu hướng đọc tin tiêu cực mà thiếu đi trách nhiệm truyền tin tích cực. “Nếu mỗi người dùng smartphone, mỗi ngày gửi cho nhau một tin tốt, chia sẻ với nhau vài ý hay, gửi đi thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, chắc chắn môi trường trên internet sẽ tích cực, trong lành hơn nhiều”, ông nói.
Theo người đứng đầu ngành tuyên giáo, internet giờ không còn chỉ là một khái niệm công nghệ, môi trường công nghệ mà đã trở thành một “miền chiến sự mới”, nơi mà cuộc đấu tranh trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa diễn ra mạnh mẽ.
Bối cảnh mới ấy đặt ra trách nhiệm cho cán bộ tuyên giáo phải tích cực đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp tiếp cận để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng, chỉ đạo thông tin; lấy độ chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin làm vũ khí sắc bén để làm chủ trận địa tư tưởng.
Chia sẻ mối băn khoăn này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương sớm ban hành và triển khai sớm ban hành và triển khai đề án đưa thông tin tích cực lên mạng xã hội.
Ông Phong cũng mong muốn hệ thống các cơ quan tuyên giáo các địa phương cần hình thành cộng đồng lành mạnh, có giá trị xây dựng, định hướng. Qua đó tương tác với cộng đồng mạng xã hội, đưa thông tin tốt, đẹp lấn át thông tin xấu.
Tham dự hội nghị quan trọng này, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu ngành tuyên giáo tiếp tục đổi mới, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đây là công việc quan trọng gắn với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Liên quan đến mạng xã hội, ông Vượng thống nhất nhận định của ngành tuyên giáo rằng mạng xã hội không còn ảo mà là đời sống thực tế, tác động đến đời sống, đến dư luận. Vị lãnh đạo cấp cao của Đảng xác định mạng xã hội là thành quả của văn minh nhân loại, của ách mạng khoa học kỹ thuật, nhưng cần phải quản lý, sử dụng vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia.