Đó là ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi nói về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ba đặc khu dự kiến thông qua tại Việt Nam gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi đặc khu sẽ khai thác lợi thế riêng.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc xây dựng các đặc khu sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: Quốc Hội
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đặc khu kinh tế mà Chính phủ đang trình và Quốc hội sẽ bàn đại diện cho ba miền. Xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội. Theo đó, Nhà nước muốn xây dựng những đặc khu kinh tế để tạo ra những động lực phát triển, thúc đẩy nền kinh tế xã hội đất nước.
Về ý kiến lo ngại việc trao quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế, ông Lợi khẳng định đã gọi là đặc khu kinh tế đặc biệt thì phải có vượt trội, phải được thực nghiệm những chính sách mà pháp luật chưa quy định nhưng không được trái với Hiến pháp. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chế tài, quy định để quản lý cho chặt, phải gắn quyền với trách nhiệm. Quyền cao hơn thì trách nhiệm phải lớn hơn.
“Nếu chưa làm mà sợ thì làm sao chúng ta phát triển đất nước được. Tôi hy vọng Quốc hội lần này xem xét và hoàn thiện để chúng ta có thể xây dựng đặc khu kinh tế, tạo động lực phát triển cho đất nước. Đây cũng là mong muốn của các địa phương….”, ông Lợi nói.
Liên quan đến vốn đầu tư ba đặc khu hơn 1,5 triệu tỉ đồng, ông Lợi cũng cho biết không phải nguồn vốn đầu tư phụ thuộc hoàn toàn nguồn ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ là mồi, là động lực và dứt khoát nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra phải thu hồi lại được. Quan trọng là Nhà nước phải kêu gọi được các nhà đầu tư, khi các nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ thì trong quá trình đầu tư phát triển sẽ đóng góp ngân sách cho Nhà nước, đó là nguồn để thu lại ngân sách.
“Đừng nghĩ toàn bộ đầu tư vào các đặc khu là tiền ngân sách. Quan trọng là Nhà nước tạo cơ chế, động lực, sức hút để các nhà đầu tư vào thúc đẩy kinh tế xã hội….”, ông Lợi nhấn mạnh.