THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

Đánh giá thể chế kinh tế bằng thực tiễn

Ngày 19-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương (KTTW). Chủ đề chính của cuộc gặp này là cho ý kiến đối với đề cương sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Ban KTTW được Bộ Chính trị giao chủ trì thực hiện.

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng yêu cầu cần phải đẩy nhanh tiến độ của việc sơ kết, vì nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến nhiều công tác khác, nhất là việc tổng kết 30 năm đổi mới mà trong đó đánh giá thể chế kinh tế là một nội dung quan trọng. Hiện, về phía Chính phủ, đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và đã có báo cáo tập thể Chính phủ lần đầu hồi cuối tháng 2.

Góp ý cho nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng nên đi sâu vào phân tích mặt được, chưa được của thể chế kinh tế sau năm năm hoàn thiện, vận hành. “Phải tổng kết từ thực tiễn chứ không thể ngồi trên này mà nghĩ ra được” - ông Trung góp ý và đưa ra nhiều ví dụ: “Chẳng hạn, nói về lý thuyết kinh tế thị trường định hướng XHCN thì ai cũng “nói hay” được nhưng đụng đến việc cụ thể như điều hành giá xăng dầu tăng một chút là lại có ý kiến phản đối. Giá điện cũng vậy, xử lý rất gian nan, nhiều dích-dắc, cả về khía cạnh chính trị lẫn tâm lý xã hội. Rồi nóng bỏng nhất là đất đai, tình hình khiếu tố nghe “êm êm” chẳng qua vì bất động sản trầm lắng, chứ thị trường ấm lên một chút thì “chưa biết thế nào, vì ta chưa giải quyết được tận gốc vấn đề”.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Bởi vậy, thay vì lý thuyết, trong lần sơ kết này, Thủ tướng gợi ý nên đi vào thực tiễn của vận hành nền kinh tế. Ví dụ, một thời gian dài than duy trì hai giá: xuất khẩu theo giá thị trường, còn bán trong nước giá rẻ dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhưng sau thời gian kiên trì điều chỉnh, từ đầu năm 2014, giá than bán cho các đơn vị tiêu dùng lớn như điện, giấy, xi măng đã được áp bằng giá xuất khẩu. “Qua được một quý rồi, thấy êm” - Thủ tướng cho biết.

Cũng theo cách ấy, Chính phủ đang chỉ đạo ngành điện bóc tách, thấy còn 16,5% sản lượng là đang bán dưới giá thành, trong đó hộ nghèo chiếm tỉ lệ lớn. “Vậy kinh tế thị trường định hướng XHCN ở đây là gì?” - Thủ tướng nêu vấn đề và bày tỏ quan điểm cá nhân nên chăng là chuyển giá hết theo thị trường nhưng riêng hộ nghèo thì Nhà nước hỗ trợ tiền trực tiếp để mua điện ngang giá thành. Đồng thời để khắc phục độc quyền của EVN thì buộc phải công khai, minh bạch giá thành, tiến tới cổ phần hóa rồi hình thành thị trường điện cạnh tranh sau này.

Với cách tiếp cận ấy và coi “bản chất của kinh tế thị trường là dân chủ trong kinh tế”, Thủ tướng gợi ý tới đây cần tiếp tục có chính sách phù hợp với giáo dục, y tế - hai lĩnh vực hiện còn bao cấp mạnh và tràn lan. Qua đó tôn trọng các quy luật của thị trường, đồng thời sử dụng các công cụ nhà nước để giải quyết công bằng xã hội, giữ khoảng cách giàu nghèo không quá xa.

Về nội dung quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng cho biết đây là vấn đề khó. Từng có thời DNNN dưới hình thức tổng công ty là trực thuộc Thủ tướng. Nhưng chính các thủ tướng cũng không thể đảm đương được nên phải đề cao trách nhiệm các bộ chủ quản. Đến nay, nhiều ý kiến cho rằng cần tách chức năng chủ quản làm đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý của các bộ và từ đó đề nghị lập bộ chuyên trách nắm các DNNN. “Cái này Chính phủ đã bàn rồi, thấy chưa được. Phải có lộ trình thôi, trước mắt đẩy mạnh cổ phần hóa rồi tính tiếp” - Thủ tướng cho biết.

NGHĨA NHÂN

 

Ban Kinh tế Trung ương có 32 tiến sĩ, 60 thạc sĩ

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc tái lập Ban KTTW là cần thiết. Sau một năm vận hành, ban đã xây dựng bộ máy hơn 100 người khá mạnh, trong đó 32 là tiến sĩ, 60 thạc sĩ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Chính trị, trung ương, ban cần huy động trí tuệ các nhà khoa học, quản lý bên ngoài.

Trưởng ban Vương Đình Huệ cảm ơn và tặng Thủ tướng bức ảnh kỷ niệm 18 năm trước, khi ông Nguyễn Tấn Dũng là trưởng Ban KTTW, trước khi sang làm phó thủ tướng. Ông Huệ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, tạo điều kiện để ban được tham gia ngay từ đầu các đề án, chương trình kinh tế của Chính phủ và các bộ, để có thể góp ý, phản biện kịp thời, hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.