EVN đầu tư ngoài ngành không hiệu quả

Tại buổi họp báo quý IV của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào sáng 10-1, vấn đề tiền lương của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được báo chí quan tâm đặt câu hỏi. Phía TTCP cho hay việc này đã được nêu trong kết luận thanh tra. Theo thẩm định của Bộ LĐ-TB&XH, hơn 3,1 tỉ đồng tiền lương của Hội đồng tư vấn, tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 là thực hiện chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho rằng: “Lương lãnh đạo EVN được tính đúng theo quy định chung do Bộ LĐ-TB&XH duyệt”.

Nhiều khoản chi chưa đúng

Ông Tri thông tin: “Hội đồng thành viên của EVN hiện chỉ có sáu người nên việc tính toán rất đơn giản. Theo quy định của Thủ tướng, lương mỗi người không được vượt quá 36 triệu đồng/tháng cộng thêm phụ cấp tối đa là 54 triệu đồng”.

Đại diện Thanh tra Chính phủ đang trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: TH

Về việc EVN mua hai xe ô tô Toyota LandCruise vượt định mức quy định hơn 3 tỉ đồng, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý số tiền này cộng với số tiền lương chi cho Hội đồng tư vấn và tổng giám đốc EVN năm 2010 (tổng cộng là hơn 8,3 tỉ đồng). Song ông Tri cho biết EVN sẽ lấy lợi nhuận sau thuế bù vào khoản mua xe vượt định mức.

Liên quan đến thông tin EVN tính giá xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… vào giá điện, theo kết luận của TTCP, Bộ Công Thương phê duyệt chi phí này là sai. Cụ thể, việc đưa gần 596 tỉ đồng đã chi cho khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa nhà biệt thự đơn lập, chung cư cao tầng… có cơ sở hạ tầng kèm theo như bể bơi, sân tennis… để phục vụ cho cán bộ, nhân viên vào chi phí đầu tư của sáu dự án nguồn điện là chưa đúng quy định. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí này để có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2.

Cấp bù lỗ là rất bình thường

Trả lời về việc EVN cho Công ty Nhiệt điện Phả Lại vay vốn với lãi suất thấp nhưng lại vay trở lại với lãi suất cao, ông Tri nêu: “Điều này xuất phát từ việc trước đây Nhà máy nhiệt điện Phả Lại hạch toán phụ thuộc EVN. Chính phủ cho EVN đứng ra vay vốn ODA của Nhật với lãi suất thấp chưa đến 2%. Do Bộ Tài chính không đồng ý cho Phả Lại vay ODA trực tiếp mà phải thông qua EVN nên chúng tôi cho Phả Lại vay để thu hồi vốn. Nhưng sau khi Chính phủ quyết định cổ phần hóa thì Phả Lại thành công ty cổ phần hoạt động riêng biệt có lãi, doanh thu tăng nên có vốn để cho vay lại theo lãi suất của ngân hàng. EVN được Bộ Tài chính cho phép huy động tiền nhàn rỗi của các công ty con theo lãi suất thỏa thuận là lãi suất ngân hàng cộng phí nên EVN vay lại của Phả Lại để đầu tư những dự án mới” - ông Tri giải thích.

“Kết luận thanh tra cho thấy việc cho vay và đi vay lại giữa công ty mẹ với các đơn vị thành viên không có gì vi phạm” - Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh nói. Cũng theo ông Khánh, việc cấp bù lỗ của công ty mẹ cho các đơn vị thành viên đối với ngành điện là rất bình thường. Bởi lẽ chu trình sản xuất điện khép kín, mang tính đặc thù. Ông Tri cho hay trong năm 2011, EVN lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.

THU HẰNG

EVN đầu tư ra ngoài gần 122.000 tỉ đồng

Kết luận thanh tra chỉ rõ công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền gần 122.000 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỉ đồng là chưa thực hiện đúng quy định; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền gần 2.000 tỉ đồng vượt tỉ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Kết luận thanh tra cho rằng Bộ Công Thương chưa ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Việc thực hiện điều hành, quản lý thị trường điện của Bộ Công Thương, EVN có thể phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng không phù hợp với các quy định hiện hành.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo EVN thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ và năm tổng công ty điện lực. Bộ Công Thương khẩn trương ban hành khung giá phát điện và khung giá buôn bán điện…

Thành viên Chính phủ công khai tài sản

Trả lời câu hỏi về việc kê khai tài sản của các thành viên Chính phủ, Phó Tổng TTCP Lê Tiến Hào cho biết: “Bản kê khai tài sản và thu nhập của các thành viên Chính phủ được công khai ở chi bộ, cấp ủy và tại Quốc hội”.

Theo báo cáo của TTCP về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012, có hơn 113.000 người kê khai lần đầu, trên tổng số gần 116.000 người phải kê khai (đạt 97,9%); hơn 519.000 người kê khai bổ sung, trên tổng số gần 527.000 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%). Trong đó có hơn 376.000 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác. Có ba trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm