Sáng 2-6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt hàng trăm cán bộ trẻ đang công tác tại TP. Đây đều là những học viên tốt nghiệp các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hơn 10 năm qua trở về làm việc cho Đà Nẵng. Trong số này, có người công tác lâu năm nhất đã lên đến chức phó giám đốc sở.
Cần sự công bằng, minh bạch
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ngay lập tức phê bình giám đốc các sở, chủ tịch các quận/huyện không đến dự mà cử cấp phó đi thay.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: TẤN VIỆT
Nói ngay về công tác tuyển dụng, ông Thơ cho hay ngoài một số em được xét đặc cách, còn lại phải thi vào biên chế hết.
“Nhưng có nơi thi không công bằng. Đưa các anh hạt giống vô hết một bảng thì thi kiểu gì nữa. Chia bảng thi mà em nào cơ cấu thì cho vào bảng ít người một tí. Bảng còn lại thì toàn em giỏi xếp vô, cạnh tranh như thế thì ai chịu nổi.
Đừng nghĩ mình gò vô vị trí đó các bạn không biết chi đâu, họ biết hết. Các anh đứng đầu sở, ngành phải có trách nhiệm sửa chữa việc này. Giám đốc Sở Nội vụ phải kiểm soát việc đó” - ông Thơ nhấn mạnh.
Chủ tịch Đà Nẵng thừa nhận việc đề bạt, bố trí công tác cũng một vài nơi có chuyện chứ không phải không có chuyện. Các bạn không cần tiền nhiều, vị trí cao đâu mà cần sự công bằng, minh bạch.
“Có những nơi phân công, bố trí công tác không phù hợp vì mình không bố trí được, không còn chỗ nữa thì chấp nhận. Nhưng có nơi cán bộ làm không được lắm nhưng nằm ở vị trí đó rồi, người sử dụng lao động không thay đổi. Những vị trí ưu ái một tí thì có ghế ngồi hết trơn rồi” - ông Thơ nói.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Đà Nẵng, bạn Lê Hữu Thành (công tác tại BV Đà Nẵng) nói: Việc lương bổng với bọn em thật sự không quan trọng bằng giao cho bọn em công việc gì.
Bạn Thành nêu quan điểm: Việc TP cử đi học không phải là học bổng mà là hợp đồng lao động. Khi đã hoàn thành được yêu cầu học lực với TP thì TP tạo điều kiện đặt học viên vào vị trí nào chứ học không thể chọn lựa được.
Bạn Lê Hữu Thành, công tác tại BV Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
“Có vẻ như TP đang tập trung vào đào tạo cán bộ làm hành chính mà chưa chú trọng mảng kỹ thuật. Kỹ thuật thì nên tạo điều kiện phát triển. Đừng ép học viên vào những công việc hành chính. Một vài ngành công nghệ cao mà TP chưa có điều kiện phát triển thì TP cũng nên cho học viên đi học tiếp. Sau này TP thu hút về thì chúng em sẵn sàng về cống hiến” - Thành nói.
Hỗ trợ thêm về phúc lợi
Bạn Thu Linh, chuyên viên Sở Nội vụ, là một học viên Đề án bậc đại học (đề án 47), tự xin học bổng ở Nhật ngành hành chính công, giờ đã quay lại TP làm việc.
Qua các nghiên cứu của bản thân, bạn Linh đề xuất TP thay đổi chính sách hỗ trợ bằng tiền bằng các “chính sách mềm” như cho con cái các học viên được giảm học phí, hỗ trợ khám sức khỏe…, những hình thức nào mà HĐHD TP có thể quyết được.
Theo ông Thơ, việc hỗ trợ như đề xuất trên mà ông gọi là “hỗ trợ về mặt phúc lợi xã hội” là điều đáng nghiên cứu.
“Tôi đề nghị các sở, ban, ngành nghiên cứu về hướng phúc lợi như hỗ trợ thuê nhà. Thử dành vài nghìn mét đất xây dựng căn hộ, chung cư ưu đãi cho cán bộ trẻ của TP xem sao” - ông Thơ nói.
Chủ tịch Đà Nẵng cũng trấn an các học viên rằng sau nỗ lực của mình, TP cam kết đã giải quyết được số lượng biên chế cho tất cả học viên. Mặc dù vẫn còn những bạn thuyên chuyển đi những vị trí khác nhưng đều nằm trong tổng hòa chung của TP.
Tại buổi gặp mặt, ông Thơ cũng giao lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện về làm những “đề án mini” và nộp lại cho TP trong vòng 15 ngày.
Trong “đề án mini” này, ông Thơ yêu cầu phải nêu được hướng bố trí công việc cho học viên. Đồng thời phải có ý kiến của các học viên đang công tác tại đơn vị nói về việc có cảm thấy phù hợp với việc mình đang làm hay không.
Tại buổi gặp mặt sáng 2-6, ban liên lạc các học viên đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng cũng được ra mắt. Ban liên lạc nhằm kết nối, sinh hoạt và ghi nhận liên tục tâm tư, nguyện vọng của các học viên trong thời gian tới. |