Chiều 25-5, Sở Nội vụ Đà Nẵng phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức buổi cung cấp thông tin cho báo chí liên quan những vấn đề nóng thời gian qua của hai sở này.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Với Sở Nội vụ là tình trạng nhiều học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP (Đề án 922) vi phạm hợp đồng, bỏ việc… và buộc phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho TP.
Đã thu hồi 89 tỉ đồng học phí
Theo ông Võ Ngọc Đồng, đối với 93 học viên ra khỏi đề án do vi phạm hợp đồng hoặc nhiều lý do khác, TP đã thu hồi được 89 tỉ đồng kinh phí đào tạo.
Sở Nội vụ đánh giá các học viên đều có ý thức bồi hoàn kinh phí cho TP khi ra khỏi đề án. Còn lại số ít học viên chưa hoàn thành nghĩa vụ này chủ yếu cho chưa có khả năng chi trả.
Ông Nguyễn Văn Chiến (Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng) cho hay theo hợp đồng ký kết với TP, các học viên khi học xong phải làm việc cho TP ít nhất bảy năm.
“Lý do chủ yếu để các học viên xin ra khỏi đề án là tạo lập gia đình ở nơi khác. Các học viên được cử đi học nhiều nơi, khoảng 9 nước. Ở môi trường như thế thì quá trình học hành lâu nảy sinh tình cảm. Một số bạn kết hôn ở nước ngoài hoặc ở các tỉnh, thành khác. Nguyên nhân nữa là một số bạn muốn tìm công việc mới”, ông Chiến nói.
Tìm hiểu của PV, một lý do quan trọng nữa khiến các học viên bỏ ra ngoài là do khó có khả năng vào biên chế Nhà nước. Trả lời việc này, ông Đồng lý giải: “Có trường hợp thi vào công chức giữa các học viên và người ngoài đăng ký thì người ngoài trúng, học viên rớt. Cái này là do năng lực”.
Tập trung đào tạo nhân lực có sẵn
Ông Chiến nhận định nhân lực ra khỏi khu vực công nhiều chứ không riêng gì học viên của Đề án 922.
“Ở Đà Nẵng, việc này tôi có cảm giác còn ít hơn các TP khác. Đà Nẵng chưa có thị trường lao động mạnh, chưa nói là lành mạnh nữa. Về học viên đề án thì nói thật là rất tiếc. Để giữ chân học viên và các cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt gắn bó với TP luôn là điều trăn trở”, ông Chiến nói.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT.
Về việc một số học viên Đề án 922 cho rằng họ không được bố trí công việc đúng ngành nghề đào tạo, ông Chiến nói, không bao giờ có trường hợp học cái gì mà ra làm ngay được.
“Theo đánh giá của học viên thì một số được bố trí công việc không phù hợp. Như tôi Phó giám đốc Sở Nội vụ thì học Đại học Nội vụ ra thôi cũng không thể làm được, kiến thức trong trường không thể bằng được. Tất cả đều phải tự học thêm nữa”, ông Chiến nói.
Ông Chiến chia sẻ thêm, ngay từ năm 2013, Sở Nội vụ đề ra chủ trương không cử học sinh đi học đại học nữa. Khi cán bộ, công chức làm công việc nào thì Sở Nội vụ cử đi học thêm nội dung đó thì chuyên hơn. Chứ đào tạo đại học rồi vào làm Nhà nước thì có độ chênh rất lớn.
“Học nước ngoài mà về làm nền hành chính của Việt Nam thì khó hơn nữa. Rất may mắn là các học viên học nước ngoài về tiếp cận công việc nhanh. Các bạn có kiến thức, kỹ năng tốt. Còn cử đi học sau đại học thì đa số là phù hợp”, ông Chiến nói.
Theo ông Đồng, sắp đến TP tập trung bồi dưỡng những người đang làm việc trong bộ máy theo nhu cầu phát triển của từng đơn vị. Việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của TP, làm sao có chất lượng hơn. Không tập trung tăng số lượng người mà nâng cao chất lượng đội ngũ.