Phải chấm dứt kiểu làm ‘chính sách bàn giấy’

Các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng”. Thủ tướng cũng yêu cầu khi xây dựng chính sách pháp luật cần bám sát thực tiễn và rằng “nếu chỉ ngồi bàn giấy mà không có thực tiễn thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tiễn”.

Chắc không nhắc thì ai cũng nhớ hàng loạt quy định (dự thảo lẫn chính thức ban hành) đã tạo nên đàm tiếu xã hội và làm cho người trong cuộc dở khóc dở cười: Nào là cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học, nữ ngực lép không được lái mô tô, cấm bán bia cho phụ nữ cho con bú, cấm bán thịt sau 8 giờ, phạt nông dân sử dụng phân bón giả… Gần đây là Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương (về nhập khẩu ô tô) đã gây điêu đứng cho hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa.

Tổng kết 10 năm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL) của HĐND và UBND năm 2004 và sáu năm Luật BHVBQPPL  năm 2008, Bộ Tư pháp cho biết qua quá trình rà soát đã phát hiện 4.824 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm, chiếm khoảng 17,8%. Riêng các cấp, các ngành rà soát và phát hiện khoảng 47.600 văn bản có dấu hiệu vi phạm, chiếm khoảng trên dưới 17%. Như vậy có nghĩa bình quân cứ sáu văn bản ban hành có một văn bản “có vấn đề”. Luật BHVBQPPL mới đã được ban hành vào tháng 6-2015 và đã có nhiều quy định mới hơn, rõ hơn, cụ thể hơn so với Luật BHVBQPPL năm 2004 trước đây.

Một chính sách pháp luật được ban hành đương nhiên phải hội đủ các điều như hợp hiến, hợp pháp… nhưng trên hết là chính sách pháp luật phải đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Những quy định pháp luật kiểu trời ơi không chỉ gây ra hậu quả nặng nề cho đối tượng tác động trực tiếp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cơ quan soạn thảo, ban hành; gây tốn kém cho xã hội.

Đó là chưa nói đến hiện tượng tham nhũng bằng chính sách. Các cơ quan có trách nhiệm được giao chủ trì dự thảo chính sách pháp luật đã bằng cách này hay cách khác lồng vào đó những nội dung nhằm bảo vệ lợi ích của ngành mình, bỏ mặc các tổn hại của người dân và xã hội.

Để chỉ đạo của Thủ tướng được hiện thực hóa, mọi cấp, mọi ngành liên quan đều phải chuyển động một cách thực sự từ nhận thức đến hành động. Kèm đó  phải có những cơ chế xử lý trách nhiệm, chế tài tương xứng đối với những cá nhân, cơ quan ban hành chính sách “bàn giấy”. Bởi xét cho cùng tất cả đều bắt đầu từ con người, từ chính đội ngũ công chức nhà nước.

Muốn kỷ cương phép nước nghiêm minh, chính sách pháp luật phải rõ ràng, nghiêm minh. Vì vậy, ban hành chính sách pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp thực tiễn như chỉ đạo của Thủ tướng là việc làm cấp bách hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm