TS Nguyễn Sĩ Dũng: ‘Công khai, minh bạch chỉ có lợi’

Tuần trước, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ cho phép báo chí dự năm phút đầu thay vì được tham dự toàn phiên họp như thông lệ. Sau đó Văn phòng QH gửi thông cáo báo chí về nội dung phiên họp. Nhận định về “sự kiện” này, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nói: “Tôi hơi bất ngờ”.

Cho dự năm phút đầu là chưa phù hợp

. Phóng viên: Phải chăng ông bất ngờ khi việc chỉ cho báo chí tham dự năm phút là trái với thông lệ hoặc với những quy định?

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết thì điều này không thống nhất với quy chế làm việc của UBTVQH. Theo đó, Điều 4 của quy chế nói: Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí.

Hơn thế nữa, Điều 5 của quy chế nói trên còn khẳng định: “UBTV họp công khai”.

Nếu căn cứ vào quy chế thì việc chỉ cho báo chí dự năm phút đầu mỗi phiên họp là chưa phù hợp.

. Tổng thư ký QH giải thích rằng: UBTVQH lần này họp có nhiều vấn đề nhạy cảm và nếu không có báo chí dự thì đại biểu (ĐB) sẽ phát biểu hết ý.

+ Quả thực nếu có sự tham dự của báo chí thì các ủy viên TVQH sẽ phải cân nhắc lời ăn tiếng nói của mình thận trọng hơn. Tuy nhiên, ai cũng phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình, ĐBQH, ủy viên TVQH lại càng phải như vậy.

Nói hay phát biểu đối với các ĐBQH là đòi hỏi quan trọng nhất của nghề. Sự tham dự của báo chí vì vậy nên được coi là sức ép lành mạnh để nâng cao “trình độ tay nghề” của các vị ĐB. Cuối cùng thì người dân cũng chỉ ghi nhận và tôn vinh những vị ĐB dám phát biểu trung thực, thẳng thắn mà thôi.

Báo chí đang phỏng vấn đại biểu Quốc hội bên hành lang nghị trường. Ảnh: Việt Dũng

Công khai, minh bạch tốt hơn

. Thực tế là có những phiên mà QH họp kín. Vậy UBTVQH cũng có thể thực hiện điều này?

+ Tất nhiên, QH và UBTVQH có thể họp kín khi thảo luận những vấn đề bí mật quốc gia chẳng hạn. Luật Tổ chức QH đã quy định rất rõ những thủ tục để QH có thể tiến hành những phiên họp kín. Theo đó, việc họp kín chỉ có thể tổ chức theo đề nghị của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH.

Điều đáng lưu ý là thuật ngữ “họp kín” không được áp dụng cho UBTVQH. Thuật ngữ được sử dụng cho UBTVQH là “họp riêng”. “Trường hợp UBTVQH họp riêng do chủ tịch QH quyết định”.

Tuy nhiên, họp riêng chỉ là trường hợp ngoại lệ. Họp công khai là thông lệ, là đòi hỏi bắt buộc.

Về mặt nguyên tắc, các thiết chế quyền lực công đều phải hoạt động công khai. Vì quyền lực của các thiết chế này đều là do nhân dân trao cho. QH và UBTVQH lại càng phải như vậy.

. Dường như có một sự giằng xé giữa công khai và bí mật, giữa mong muốn mở toang cánh cửa thông tin của cử tri, nhân dân và khuynh hướng hạn chế thông tin của các cơ quan công quyền. Mới đây, Bộ TN&MT cũng không cho báo chí dự sơ kết sáu tháng đầu năm 2017.

+ Dĩ nhiên, điều gì cũng có quá trình, nhất là việc đổi mới tư duy trong việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch. QH phải hoạt động công khai vì QH chịu trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Còn Chính phủ, cũng như các cơ quan của Chính phủ, có thể ít công khai hơn vì những cơ quan này chịu trách nhiệm trước QH.

Tuy vậy, công khai và minh bạch xét ở bình diện chung chỉ có lợi chứ không có hại cho bất cứ cơ quan công quyền nào. Tương tác với cử tri và nhân dân sẽ làm cho các cơ quan công quyền gần dân hơn; những quyết sách được ban hành sẽ sát với nhu cầu của người dân hơn và hình ảnh về một nhà nước của dân, do dân và vì dân sẽ rõ ràng hơn.

. Xin cám ơn ông.

“Quốc hội vẫn đảm bảo sự tham dự của báo chí”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 16-7, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Lê Bộ Lĩnh nói: Chỉ có phiên họp thứ 12 mới có nhiều nội dung để UBTVQH họp riêng. Vì thế nên có sự trùng hợp là sau khai mạc năm phút thì màn hình ở trung tâm báo chí tắt đi. Bởi phiên họp thứ 12 chỉ diễn ra 1,5 ngày nhưng có nhiều nội dung mà UBTVQH họp riêng.

Hiện nay, Văn phòng QH đang xây dựng một quy chế tổng thể về sự tham dự của báo chí đối với các kỳ họp QH, phiên họp của UBTV, các hội nghị của QH cũng như sự tham gia của báo chí với các đoàn giám sát của QH. Hoàn toàn không có việc hạn chế báo chí hơn so với các quy định trước đây.

Tới đây, trong quy chế tổng thể về sự tham dự của báo chí sẽ phân định rõ ràng phần nào họp nội bộ không có báo chí tham dự, phần nào thảo luận công khai có báo chí tham dự. Tức là việc báo chí tham dự các hoạt động của QH sẽ rõ ràng hơn, thuận tiện hơn. Tôi khẳng định QH vẫn đảm bảo sự tham dự của báo chí với các hoạt động của QH, thậm chí là phải tăng cường sự tham dự của báo chí đối với các hoạt động này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm