Chỉ chưa đầy một tiếng sau khi Trung Quốc (TQ) tuyên bố áp thuế lên 106 mặt hàng của Mỹ, một động thái trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách 1.300 sản phẩm TQ bị áp thuế nhập khẩu, thị trường chứng khoán New York đã chao đảo. Chỉ số Dow Jones rơi tự do hơn 570 điểm chỉ 15 phút ngay khi mở phiên giao dịch ngày 4-4 (giờ địa phương). Chỉ số Nasdaq và S&P 500 cũng báo hiệu rớt thảm, kênh truyền hình kinh tế CNBC cho biết.
Màn trả đũa bắt đầu
Trước đó, vào đêm 3-4 (giờ địa phương), đài truyền hình CNN đưa tin chính quyền Mỹ dự định áp rào cản thương mại lên số hàng hóa với tổng trị giá 50 tỉ USD nhập khẩu từ TQ. Tổng thống Trump và Washington xem đây là biện pháp trừng phạt TQ vì các hoạt động đánh cắp bí mật công nghệ, bằng sáng chế từ Mỹ, những chính sách bất công thương mại và cưỡng ép chuyển giao công nghệ mà các công ty Mỹ phải chịu đựng khi bước chân vào thị trường TQ.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong buổi đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh vào cuối năm 2017. Ảnh: AFP
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng cho biết mức thuế 25% sẽ được áp dụng cho tất cả sản phẩm nằm trong “danh sách đen” nói trên. Các rào cản thương mại sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Chính quyền Mỹ sẽ tổ chức một phiên điều trần công khai với các doanh nghiệp nội địa. Và kể cả sau phiên điều trần đó cũng chưa rõ các biện pháp “trừng phạt” có được áp dụng hay không. Một lượng lớn sản phẩm bị đánh thuế thuộc về ngành hàng không, công nghệ thông tin liên lạc và máy móc.
Đáp lại những động thái “nắn gân” của Washington là những đòn trả đũa nặng ký từ Bắc Kinh. TQ hôm 2-4 đã áp thuế 25% lên 128 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực như đậu nành, ô tô và whisky. Chưa đầy 24 tiếng sau khi xuất hiện thông tin về “danh sách đen” áp thuế hàng nhập khẩu TQ, Bắc Kinh tiếp tục công bố danh sách bổ sung 106 hàng hóa Mỹ bị áp thuế. Các động thái này làm tăng tâm lý lo ngại trên toàn cầu về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, CNBC nhận định.
Ông Gregory Moore, Trưởng khoa Nghiên cứu quốc tế ĐH Nottingham ở TP Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), cho rằng những trả đũa của TQ mới là “màn dạo đầu của chiến tranh thương mại” và cả hai phía sẽ còn tiếp tục đáp trả lẫn nhau. “Sẽ có thêm một số động thái trả đũa qua lại. Tình hình sẽ leo thang thêm một lúc trước khi mọi thứ hạ nhiệt. TQ sẽ bắt kịp mọi động thái mà Mỹ đưa ra” - ông Moore trả lời tờ South China Morning Post (SCMP).
Đòn đáp lễ nặng ký
Bắc Kinh cho thấy họ sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với Washington trong màn so găng hạng nặng lần này. Dù thời hạn chính thức có hiệu lực của danh sách áp thuế vẫn chưa được tiết lộ, Bộ Thương mại TQ khẳng định hàng rào thuế quan của họ nhắm đến tổng giá trị sản phẩm cũng lên đến 50 tỉ USD/năm, tức là ngang ngửa mục tiêu mà Mỹ đặt ra đối hàng nhập khẩu TQ.
Tuần trước, cựu Bộ trưởng Tài chính TQ Lâu Kế Vỹ (Lou Jiwei) cũng đã dự đoán rằng bước đáp trả tiếp theo của Bắc Kinh sẽ nhắm vào đậu nành và ô tô Mỹ, những mặt hàng có thể khiến nền kinh tế Mỹ cảm nhận rõ nỗi đau. Ông Gregory Moore nhận định các phản ứng của Bắc Kinh đã được tính toán kỹ lưỡng. Việc áp thuế lên thịt heo Mỹ vào ngày 2-4 sẽ đánh vào các cử tri đảng Cộng hòa trong ngành chăn nuôi. Còn theo John Gong, nhà kinh tế ĐH Kinh doanh và kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, đậu nành là nhóm hàng xuất khẩu đắt giá nhất của Mỹ đến TQ với tổng giá trị hằng năm lên đến gần 14 tỉ USD. Các bước đi này nhắm đến nông nghiệp Mỹ, nhóm cử tri có sức ảnh hưởng lớn. Điều này tạo nên chi phí chính trị đối với cá nhân ông Trump ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại lưỡng viện. “Đánh vào đậu nành là một con bài rất hiệu quả” - ông John Gong đánh giá.
Thị trường chứng khoán New York đã sớm phản ứng tiêu cực trước màn trả đũa thương mại qua lại giữa Mỹ và TQ.
Thứ trưởng Tài chính TQ Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao) trả lời đài CNBC rằng nước này thực chất không muốn chiến tranh thương mại nhưng sẵn sàng “đáp lễ” Washington nếu như bị khiêu khích. “Chúng tôi sẽ trả đũa nếu như ai đó làm phương hại lợi ích của chúng tôi. Đừng ai mong chờ TQ ngậm bồ hòn làm ngọt khi những lợi ích chính đáng của chúng tôi bị xâm phạm” - thứ trưởng Tài chính TQ nhấn mạnh nhưng cũng đồng thời để mở cánh cửa đối thoại hạ nhiệt căng thẳng thương mại thông qua những cách thức mang tính xây dựng hơn hiện nay. “Đã đến lúc chính phủ Mỹ thay đổi và chọn trở lại con đường đúng đắn, cam kết với những đối thoại thực chất cùng phía TQ. Chúng tôi kỳ vọng hai nước có thể hợp tác” - ông Chu trả lời kênh truyền hình CNBC. Khi câu chuyện về “cây gậy” trả đũa thương mại giờ đã rõ, Bắc Kinh cũng phát đi những tín hiệu sẵn sàng tặng Mỹ “cà rốt” và nhượng bộ thị trường thông qua đàm phán, tờ SCMP nhận định.
Ông Scott Kennedy, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, D.C., cho rằng TQ có thể dễ dàng giảm chênh lệch thương mại với Mỹ và thực hiện những nhượng bộ nhỏ. “Mục đích lớn nhất của TQ là bảo vệ quyền can thiệp của nhà nước vào mọi khu vực kinh tế vào bất kỳ lúc nào và dưới bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, TQ có thể sẵn sàng nhượng bộ trong chính sách công nghiệp khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực”. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã hứa hẹn sẽ chấm dứt quy định buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ khi bước vào thị trường công nghiệp chế tạo. Ông cũng cam kết Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh bảo vệ tài sản trí tuệ. Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc (Liu He) cũng đẩy mạnh mở cửa khu vực tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời sẵn sàng giảm thuế đối với xe nhập khẩu từ Mỹ nhưng không hứa lộ trình cụ thể.
“Sự nhượng bộ của TQ được thể hiện qua những lời hứa này. Vấn đề lớn ở đây là phía Mỹ không đủ tin tưởng những lời hứa đó sẽ thành hiện thực. Họ cũng lo không còn đủ thời gian để chờ những cam kết được thực hiện” - ông John Gong cho biết.
Cú sốc ở Phố Wall Các tuyên bố trả đũa của TQ đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ vốn nhạy cảm với thông tin. Việc Bắc Kinh công bố bổ sung trả đũa thương mại ngay trước phiên giao dịch tại New York để lại cho Washington một khe cửa quá hẹp để có các động thái giảm tối thiểu tác động lên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của các nhà công nghiệp vận tải là thê thảm nhất với Ford và General Motors tuột giá gần 4%, còn Boeing thì rơi mất 6%. Thị trường TQ cũng không hoàn toàn sóng yên biển lặng, theo CNBC thì đồng nhân dân tệ của TQ ngày 3-4 đã rớt giá 0,4%, đợt biến động giá ghi nhận trong một ngày mạnh nhất hai tuần qua. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sáng cùng ngày (giờ địa phương) đã phải nhanh chóng lên tiếng trấn an thị trường chứng khoán Mỹ. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông tuyên bố hàng rào thuế quan của TQ tác động chưa đến 0,3% GDP của Mỹ, không phải là mối đe dọa gì ghê gớm và cá nhân ông khá bất ngờ trước những phản ứng của Phố Wall. “Tôi hơi bất ngờ rằng Phố Wall thấy... bất ngờ trước phản ứng của TQ. Điều này đã được báo trước từ nhiều ngày, nhiều tuần qua” - ông Ross chia sẻ. Tổng thống Trump sáng cùng ngày cũng lên mạng xã hội Twitter trấn an rằng Mỹ không có chiến tranh thương mại với TQ. |