. Phóng viên: Là thành viên ban biên tập tạp chí Asia Pacific Journal on Computational Engineering (APJCEN), ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Nhà xuất bản là chủ sở hữu tạp chí
. Là người sống và làm việc ở nước ngoài lâu năm, xin ông cho biết hoạt động của một tạp chí khoa học?
+ Tạp chí khoa học là nơi công bố các công trình khoa học hay các bài báo khoa học của những người làm nghiên cứu và khoa học. Những công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học thường là những bài báo khoa học, công bố về những nghiên cứu mới và kết quả nghiên cứu đạt được của cá nhân hay nhóm nghiên cứu, hoặc tóm lược và đánh giá về những diễn biến và tiến triển của một lĩnh vực hay chủ đề nghiên cứu và công nghệ nào đó mà cộng đồng khoa học và xã hội quan tâm. Hầu hết tạp chí khoa học tập trung vào một lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành nào đó.
Nhưng cũng có một số tạp chí bao quát nhiều lĩnh vực chuyên ngành liên quan, thậm chí lĩnh vực quan tâm của một số tạp chí khoa học rất rộng. Nhìn chung các nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng hiện nay thường là các nghiên cứu đa ngành; và tác giả có nhiều lựa chọn đăng bài báo khoa học trên các tạp chí liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu. Tất cả công trình nghiên cứu được đăng tải ở dạng các bài báo khoa học thường phải qua một quá trình thẩm định và đánh giá từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó.
Bìa tạp chí APJCEN do GS Nguyễn Đăng Hưng làm tổng biên tập.
Quy trình thành lập tạp chí khoa học
. Vậy việc sáng lập nên những tạp chí khoa học thường phải từ các nhà khoa học?
+ Tùy vào mục tiêu và tiêu chí của tạp chí khoa học và lĩnh vực nghiên cứu mà tạp chí quan tâm, các nhóm và hiệp hội nghiên cứu, những người làm khoa học hay các tổ chức nghiên cứu có thể xây dựng và thành lập tạp chí khoa học mà họ quan tâm nhằm trao đổi học thuật và công bố các công trình nghiên cứu. Và một số NXB cũng thường chủ động mời các nhà khoa học uy tín xây dựng các tạp chí khoa học mà họ nhận thấy có thị trường và có sự quan tâm của cộng đồng khoa học và xã hội. Uy tín và chất lượng của tạp chí khoa học thường phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của đội ngũ ban biên tập và những người làm thẩm định và đánh giá các bài báo khoa học.
. Quy trình thành lập tạp chí khoa học thế nào, thưa ông?
+ Về quy trình thành lập thì phụ thuộc vào phạm vi và lĩnh vực hoạt động của tạp chí. Ở khía cạnh NXB, mỗi NXB có các quy định và quy trình khác nhau liên quan tới sở hữu trí tuệ và quá trình xuất bản các ấn phẩm in và điện tử. Ở phạm vi quốc gia thì các quốc gia khác nhau có thể có các quy định và quy trình khác nhau. Còn các tạp chí ở phạm vi quốc tế - nơi thu hút các nhà khoa học và nghiên cứu quốc tế tham gia đăng tải các công trình nghiên cứu của họ thì có hai cách tiếp cận để thành lập một tạp chí khoa học, có thể nói tóm lược giản đơn như sau:
Thứ nhất NXB ở đây thường là các NXB ấn phẩm khoa học và công nghệ, chủ động xây dựng tạp chí khoa học. NXB sẽ mời và chỉ định các nhà nghiên cứu và khoa học uy tín làm tổng biên tập. Sau đó ban biên tập sẽ được xây dựng và tổ chức. Việc tổ chức quản lý và điều hành quá trình xuất bản và nội dung của tạp chí thì sẽ được tổng biên tập và ban biên tập quyết định với sự trợ giúp về quản lý từ NXB.
Thứ hai, các nhóm và hiệp hội nghiên cứu, những người làm khoa học hay các tổ chức nghiên cứu, chủ động xây dựng tạp chí khoa học. Đây là cách tiếp cận phổ biến nhất. Những người làm khoa học uy tín thường được mời và bầu làm tổng biên tập và tham gia trong ban biên tập của tạp chí. Sau đó, tạp chí sẽ tìm một NXB để trợ giúp về việc quản lý và in ấn.
Nơi tổng biên tập làm việc không thể là chủ sở hữu tạp chí
. Tạp chí khoa học là tài sản của tổng biên tập hay của NXB?
+ Thông thường các tạp chí khoa học không phải là tài sản của tổng biên tập và ban biên tập, cũng không phải là tài sản của tổ chức nơi những người làm tổng biên tập và làm trong ban biên tập làm việc như ở trường ĐH, viện và trung tâm nghiên cứu. NXB tạp chí khoa học quốc tế thường là chủ sở hữu của tạp chí. Trong trường hợp tạp chí APJCEN thì chủ sở hữu là NXB Springer. Các ĐH, viện và trung tâm nghiên cứu, nơi mà các tổng biên tập làm việc thường hưởng lợi từ uy tín và danh tiếng của tạp chí hoặc từ chính uy tín và danh tiếng của các tổng biên tập của tạp chí.
. Vậy vụ kiện giữa Tôn Đức Thắng và tổng biên tập GS Nguyễn Đăng Hưng là do đâu, thưa ông?
+ Tôi nghĩ vấn đề mâu thuẫn về quyền lợi liên quan tới sở hữu tạp chí APJCEN là gốc của vụ kiện. Nhìn chung các tạp chí khoa học quốc tế thì NXB sẽ chỉ định tổng biên tập và chính NXB là chủ thực sự của tạp chí khoa học. ĐH, viện và trung tâm nghiên cứu nơi mà tổng biên tập làm việc không tham dự và tác động vào hoạt động chuyên môn và khoa học của tạp chí mà hãy để NXB, tổng biên tập và ban biên tập chủ động quản lý và điều hành các hoạt động của tạp chí. Vì vậy, những việc kiện tụng như thế này rất không tốt đối với tạp chí mới bắt đầu hoạt động như APJCEN, đặc biệt là khi xảy ra nhiều vấn đề không liên quan tới nghiên cứu khoa học và học thuật.
. Trường hợp nếu là nhà khoa học chuyên ngành khác có được quyền tham dự vào tờ báo khoa học chuyên ngành hay không?
+ Những nhà khoa học và nghiên cứu ở các chuyên ngành rộng hoặc chuyên ngành khác, không liên quan nhiều tới các lĩnh vực trọng yếu của tạp chí vẫn có thể tham gia vào các hoạt động thẩm định và đánh giá hay quản lý của tạp chí. Tuy nhiên, họ thường chỉ tham gia ở dạng chuyên gia đánh giá và thẩm định bài báo khoa học khi bài báo có nội dung liên quan tới chuyên môn của họ.
. Vậy công trình khoa học của một nhà khoa học đăng trên báo và tờ báo nằm ở một trường ĐH nào đó thì trường ĐH này có quyền nắm giữ hay không?
+ Khi công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học thì quyền sở hữu trí tuệ thường thuộc về sở hữu của NXB tạp chí khoa học. Tôi nghĩ việc ĐH này có quyền sở hữu trí tuệ với công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học hay không thì quyền sở hữu này sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ và quyền lợi ký kết giữa NXB và ĐH.
. Xin cảm ơn ông.
YÊN TRANG thực hiện
GS Stéphane P.A. Bordas (ĐH Cardiff, Anh quốc): Vị trí tổng biên tập không phải vấn đề của trường ĐH APJCEN là tạp chí khoa học của các nhà khoa học. Tôi cũng biết NXB lừng danh ở Úc Elsevier đã cho ra đời những tạp chí khoa học và cách làm của họ giống những gì GS Hưng và NXB Springer làm việc. Một điều quan trọng nhưng rõ ràng một tờ tạp chí khoa học không phải là tài sản của trường ĐH sử dụng thành viên hoặc tổng biên tập. Hầu hết mọi người trong lĩnh vực của chúng tôi biết về công việc mà GS Hưng đã làm cho đất nước mình trong việc giúp đỡ những người trẻ tuổi nhận được một nền giáo dục có uy tín trong cơ học tính toán. Uy tín của GS Hưng và của các thành viên ban biên tập chắc chắn là hai trong những lý do chính tại sao Springer tin rằng có một thị trường cho tạp chí mà GS Hưng tạo ra. Hơn nữa, tất cả NXB trên thế giới sẽ làm chứng rằng vị trí của tổng biên tập không phải là vấn đề của các trường ĐH sử dụng họ. Bìa tạp chí APJCEN do GS Nguyễn Đăng Hưng làm tổng biên tập. PGS-TS Lê Chí Hiếu: - Giảng viên tại ĐH Tổng hợp Greenwich, Vương quốc Anh. - Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội. - Từng học và làm việc tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Vương quốc Thái Lan, ĐH Tổng hợp Leuven (K.U.Leuven), Vương quốc Bỉ và ĐH Tổng hợp Cardiff, Xứ Wales, Vương quốc Anh. |