“Vấn đề đáng lo ngại trong công tác cai nghiện là người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá tăng rất mạnh (tăng 95,7%), ở độ tuổi rất trẻ (18-30 tuổi). Tỉ lệ tái nghiện trên 76% trong khi đến nay vẫn chưa thể tìm ra được phác đồ điều trị cụ thể, trung tâm gặp rất nhiều khó khăn”. Chiều 31-3, báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (UBVCVĐXHQH), ông Trần Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm 05-06 TP Đà Nẵng, cho biết như trên.
Theo ông Nguyên, trung tâm được đầu tư 140 tỉ đồng, có thể điều trị cho 600-700 người nghiện. Hiện trung tâm đang điều trị cai nghiện cho 172 người. Những người cai nghiện tại đây không trả phí cai nghiện và được TP Đà Nẵng hỗ trợ 700.000 đồng/học viên/12 tháng ban đầu vào trại. Ngoài ra, TP còn hỗ trợ 2,7 triệu đồng/người để học nghề, được cấp bảo hiểm y tế để chữa bệnh.
Đoàn của UBVCVĐXHQH thăm một học viên đang lao động tại Trung tâm 05-06 TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Theo ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXHQH, hiện việc cai nghiện tại trung tâm tốn gấp 10 lần so với cai nghiện bằng Methadone (không phải tập trung). Ông hỏi: “Tại trung tâm có tình trạng người thân bỏ mặc người nghiện cho trung tâm không? Vì sao cai rồi tái nghiện quá nhiều?”.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên UBVCVĐXHQH, nêu: “Trung tâm xử lý đối với người nghiện dưới 18 tuổi như thế nào? Các phòng kỷ luật của trung tâm hoạt động ra sao? Cái này làm không khéo rất dễ vi phạm quyền con người”…
Giải trình, ông Nguyên cho biết trung tâm có phòng kỷ luật và phòng này cần thiết, phải có vì nó giúp trung tâm ổn định việc cai nghiện.
Cũng theo ông Nguyên, TP Đà Nẵng quyết định thời gian cai nghiện đối với người nghiện ma túy tổng hợp là ba tháng nhưng trung tâm sẽ kiến nghị tăng thời gian cai nghiện với họ. “Tốt nhất không nên cai làm gì vì người nghiện ma túy tổng hợp vừa không có phác đồ điều trị cụ thể, tỉ lệ tái nghiện lại cao” - ông Nguyên nói.
Ông cũng thông tin người nhà chỉ quan tâm, đến thăm người tái nghiện 1-2 lần chứ tái nghiện đến ba lần, gia đình bỏ mặc luôn. “Tái nghiện là do ý chí. Buồn tình, buồn gia đình, buồn xã hội… là tái nghiện nên đừng bắt trung tâm chịu trách nhiệm về việc tái nghiện” - ông Nguyên nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, than: “Chúng ta đang xem xét người cai nghiện vừa là bệnh nhân vừa là tội phạm, rất nhập nhằng. Nếu không giải quyết kịp thời thì Việt Nam sẽ có một thế hệ thanh niên tâm thần vì nghiện ma túy tổng hợp”.
LÊ PHI