Doanh nhân suốt ngày đi giải cứu nông sản

Anh là Hồ Phúc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH và DV Quốc tế TIP TO Mã Lai, Phó ban Công tác xã hội của CLB Quản trị và Khởi nghiệp. Bận rộn với công việc riêng nhưng hễ biết được ở đâu đó có người đang rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, cần được giúp đỡ anh lại đến với họ.

Giải cứu giúp dân đi, mọi người ơi!”

Tháng 3 vừa qua, người dân Đồng Nai lâm vào tình cảnh éo le, bị thương lái ép giá chuối, không tìm được đầu ra, hàng ngàn tấn chuối nằm chất đống... Trang Facebook có tên Hồ Phúc Nguyên trong nhiều ngày liền kêu gọi: “Giải cứu giúp nông dân đi, mọi người ơi”. Tiếp đó là chiến dịch mang tên “Chuối nghĩa tình” do anh Nguyên cùng bạn bè, các tình nguyện viên thực hiện.

Ròng rã hơn một tháng anh cùng ăn, cùng ngủ, cùng thao thức với người dân. Anh lăn lộn trên các chuyến xe chở chuối về TP rồi lại tiếp tục quay về Đồng Nai để làm tiếp công việc cho đến khi chiến dịch kết thúc.

Đầu tháng 6 này, người dân Đắk Lắk lâm vào tình cảnh lao đao khi hàng ngàn tấn bí đỏ bị thương lái ép giá chỉ 500-1.000 đồng/kg. Thời điểm đó, công việc ở công ty chất đống, anh đắn đo nhiều vì sợ không đủ sức để làm. “Đọc tin nhắn của bà con với mấy bạn tình nguyện viên mà làm ngơ thì… chạnh lòng” - anh tâm sự.

Sau những ngày đắn đo, anh vẫn lên Đắk Lắk hỗ trợ kịp thời để giúp đỡ người dân. Chỉ trong nửa tháng, cá nhân anh đã giúp người dân ở đây tiêu thụ hết một số lượng lớn bí đỏ.

Anh Hồ Phúc Nguyên đi thực tế trong chiến dịch giải cứu bí đỏ

Đợt nông dân khóc ròng vì ế thịt heo, dưa hấu, không là đầu tàu nhưng anh Nguyên cũng tham gia nhiệt tình, tổ chức nhiều điểm bán hàng giải cứu.

Công việc và những mối quan hệ khiến anh xoay xoành xoạch cả ngày nhưng chưa bao giờ anh nghĩ sẽ thôi lo việc “bao đồng”. Không còn là tổng giám đốc trong chiếc áo sơ mi, quần tây đóng thùng như thường ngày, mọi người dễ dàng thấy anh mang đôi dép lê, mồ hôi nhễ nhại, hì hục nấu ăn. Anh múc từng chén canh cho các cụ già neo đơn ở chùa, cười nói thân thiện với các cụ...

“Tạng mình nó vậy rồi, cứ làm rồi đâm ra say mê. Vậy nên không thấy mệt mỏi. Bận thì bận, chứ điều mình muốn làm là làm được hết đó” - anh cười.

Hì hụi nấu ăn cho các cụ già neo đơn.

Luôn chia sẻ với mọi người

Đằng sau những chuyến thiện nguyện, ít ai biết rằng từ nhiều năm nay, anh Nguyên đã nâng đỡ cho nhiều thế hệ sinh viên được tiếp tục đến trường. Anh đã tìm đến tận nhà của một gia đình ở miền núi, tìm hiểu về hoàn cảnh của cô học trò nghèo có nguy cơ nghỉ học từ năm lớp 10, hỗ trợ chi phí cho đến lúc học xong CĐ. Cô học trò đó giờ đã tìm được việc làm ổn định. Khi biết hoàn cảnh của một cô bé ở Huế bị bại liệt, anh giúp cô bé được chữa trị... Hiện anh đang cấp học phí cho một bạn sinh viên đang học năm cuối Trường ĐH GTVT và còn “cáng đáng” thêm hai cô cậu học trò nhỏ khác đang học cấp III.

Không chỉ đơn giản là đưa tiền học phí cho các bạn đóng hằng tháng, anh luôn tìm cách để thổi vào các bạn sự say mê, nuôi dưỡng khát khao đi học. “Có nhiều em học nửa chừng thì nản muốn bỏ, phải mất nhiều công sức để nói cho các em nghe. Các em còn trẻ, thấy bạn có điện thoại thì cũng có lúc ỷ lại, xin tôi mua nhưng tôi nói thẳng tôi không cho. Nếu các em muốn thì hãy tự lao động để đáp ứng nhu cầu của mình. Tôi không hy vọng các em làm điều gì lớn lao cho cuộc đời này mà chỉ muốn các em có trách nhiệm với bản thân mình, tự vươn lên trong cuộc sống rồi sau này nếu được thì giúp đỡ người khác” - anh nói.

“Cuộc sống cho mình chút may mắn hơn người khác thì mình chia sẻ với người kém may mắn hơn mình. Tôi thấy vui vì mình giúp được nhiều người. Giúp được ai thì cứ giúp” - anh nói.

Cũng không ít lần anh Nguyên nhận phải cái quay lưng từ chính những người mình từng nâng đỡ. Vậy mà anh nói về cái quay lưng đó nhẹ nhàng lắm, không trách cứ gì họ.

Anh đang chuẩn bị tham gia chương trình “Hành trình đỏ” cùng mọi người. Một hành trình hiến máu xuyên suốt qua nhiều tỉnh, thành trên cả nước...

“Vui buồn trái chuối nghĩa tình”

Sau đợt giải cứu chuối, anh Hồ Phúc Nguyên đã có một status đăng trên Facebook “Vui buồn trái chuối nghĩa tình”. Anh viết: “Vui vì hôm nay thương lái đã mua giá 6.000-6.500 đồng tại vườn chuối đẹp trong khi cách đây hai tuần giá 500 đồng không ai mua… Vui vì hôm 4-3 đi cùng mấy doanh nghiệp thu mua chuối xuất khẩu, thấy các vựa chuối đầy ắp, bà con chở xe chạy dọc đường, sức sống đã khí thế trở lại, bà con cười vui rồi… Vui vì chương trình được cộng đồng xã hội ủng hộ, các bạn tình nguyện viên cùng sát cánh ngày đêm… Buồn vì bà con mình thấy anh em trong chương trình “chuối nghĩa tình” chưa chuyên nghiệp nên tranh thủ cắt cái cùi to dài xíu để được thêm cân, nải chuối buồng nhỏ lẽ ra phải cắt bỏ thì không… Hôm rồi có bác nông dân đã xin lỗi chương trình rằng “tui thiệt mắc cỡ vì một số người làm vậy”. Còn tôi, tôi có giận giận một số nhưng thương thương nhiều bà con mình lắm!... Buồn vì sự không chuyên của chúng tôi đã có sai sót có thể xảy ra lúc cân và chọn chuối tại nơi tập trung, có thể có buồng còn non mà không loại ra nên chuối không chín. Tôi xin lỗi nếu anh chị nào đã lỡ mua, tôi xin đổi lại hoặc được hoàn trả tiền... Cảm ơn cả xã hội đã đồng hành!”.

___________________________

Quãng thời gian cùng mọi người giúp bà con cứu chuối và bí đỏ, niềm vui với anh đơn giản chỉ là nụ cười của bà con nông dân. Anh bảo nếu không có những ngày lăn lóc cùng họ thì mãi mãi anh sẽ không có được những khoảnh khắc đáng quý đó. “Cá nhân tôi thì không thể làm được nhiều thứ, đó là sự chung sức, chung lòng của đội ngũ anh em tình nguyện và nhiều người”- anh Nguyên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm