1 vụ cướp lạ lùng ở Cần Thơ, tòa xác định các bị cáo 'im lặng' là cổ vũ tinh thần

(PLO)- Tòa xác định bị cáo là đồng phạm giúp sức vì thấy hành vi phạm tội nhưng lại “im lặng” mặc dù bản thân có khả năng ngăn cản… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là chưa phù hợp với tình tiết của vụ án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cho rằng mình bị kết án oan trong vụ cướp tài sản ở Cần Thơ, anh Huỳnh Nhật Hòa (25 tuổi, ngụ An Giang) đã gửi đơn phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM. Cùng trong vụ này, hai người khác là Hồ Minh Triết và Dương Hoàng Vũ cũng có đơn kêu oan.

Dính tội từ việc bạn đòi nợ

Theo hồ sơ, cuối năm 2015, Trương Tấn Hoàng thuê ô tô của Võ Văn Tám để lái xe dịch vụ. Tháng 12-2016, Hoàng vi phạm luật giao thông nên bị tạm giữ xe và xử phạt 17 triệu đồng. Do không có tiền đóng phạt nên Hoàng đưa biên bản vi phạm cho Tám đi đóng thay để lấy xe về.

Sau đó, Tám nhiều lần đòi Hoàng phải hoàn trả chi phí đóng phạt và tiền giữ xe với số tiền 37,6 triệu đồng nhưng Hoàng không đồng ý và không trả tiền.

Dương Hoàng Vũ, Huỳnh Nhật Hòa và Hồ Minh Triết (từ trái sang) đã có đơn kêu oan gửi báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NHẪN NAM

Dương Hoàng Vũ, Huỳnh Nhật Hòa và Hồ Minh Triết (từ trái sang) đã có đơn kêu oan gửi báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NHẪN NAM

Khoảng 22 giờ ngày 23-12-2016, Tám phát hiện Hoàng trong vũ trường nên rủ Triết, Hòa và Vũ cùng đi trên ô tô đến tìm Hoàng đòi nợ. Tám cho xe dừng trước Công viên Ninh Kiều, đối diện vũ trường rồi xuống xe đi bộ về phía vũ trường tìm Hoàng. Sau đó, Tám và Hoàng đi ra từ vũ trường, xảy ra cự cãi. Tám dùng tay đánh Hoàng nhiều cái vào mặt gây chảy máu. Bảo vệ vũ trường thấy vậy ngăn cản thì Tám yêu cầu Hoàng lên ô tô của Tám đang đậu bên đường.

Vũ thấy Tám và Hoàng đi qua nên mở cửa phía sau cho cả hai lên. Hoàng ngồi giữa Tám và Vũ, Hòa ngồi ghế phía trước ngang với Triết. Tám kêu Triết chạy xe đến cơ quan công an để giải quyết. Trên xe, do bị đánh nhiều lần nên Hoàng đồng ý trả mỗi tháng 3 triệu đồng nhưng Tám buộc phải trả 5 triệu đồng/tháng. Hoàng không đồng ý vì không có khả năng…

Sau đó, Tám đồng ý cho Hoàng trả mỗi tháng 3 triệu đồng nhưng yêu cầu phải đến công an phường viết tờ cam kết thừa nhận thiếu tiền. Tám yêu cầu Triết lái xe chở tất cả đến Công an phường An Hội (cũ). Tuy nhiên, do việc mượn tiền là giao dịch dân sự nên cán bộ công an phường không đồng ý làm người chứng kiến.

Theo chuyên gia, “im lặng” khi thấy người khác thực hiện hành vi phạm tội không có nghĩa là tạo điều kiện về tinh thần cho người khác thực hiện tội phạm.

Trên đường ra về, Tám tiếp tục dùng tay đánh vào mặt Hoàng. Khi xe gần đến Công viên Hùng Vương thì điện thoại của Hoàng rung do có cuộc gọi đến. Tám phát hiện nên lấy điện thoại này của Hoàng. Do sợ bị đánh và phía Tám đông người nên Hoàng không dám phản ứng mà chỉ năn nỉ Tám đừng lấy điện thoại nhưng Tám không đồng ý và nói: “Mai mày cầm tiền xuống đi rồi tao đưa lại điện thoại”.

Lấy điện thoại xong, Tám tháo SIM trả cho Hoàng rồi yêu cầu Hoàng xuống xe. Sau khi xuống xe, Hoàng đến Công an phường Tân An (cũ) trình báo việc bị Tám đánh gây thương tích.

Xử sơ thẩm lần đầu vào năm 2018, TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) xử phạt Tám ba năm tù; Vũ, Triết, Hòa mỗi người một năm sáu tháng tù cùng về tội cướp tài sản. Sau đó, các bị cáo kháng cáo yêu cầu xem xét lại tội danh. Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, có bổ sung điều luật áp dụng.

Xử sơ thẩm lại, 2 bị cáo bị tăng án

Xử sơ thẩm lần đầu vào năm 2018, TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) xử phạt Tám ba năm tù; Vũ, Triết, Hòa mỗi người một năm sáu tháng tù cùng về tội cướp tài sản.

Tuy nhiên, khi xử sơ thẩm lần hai mới đây, bản án sơ thẩm lần hai tuyên phạt Vũ và Hòa mỗi người hai năm tù, nặng hơn mức án lần đầu.

Không ngăn cản nên bị kết tội

Năm 2019, cả bốn bị cáo có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Tháng 3-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Theo tòa, kết luận trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Đối với Tám, tòa nhận định chưa đủ căn cứ truy tố, xét xử Tám về tội cướp tài sản; cần điều tra, đối chất làm rõ động cơ, mục đích và ý thức phạm tội của Tám và đồng phạm để có cơ sở xác định hành vi của Tám phạm vào tội cướp hay cưỡng đoạt tài sản.

Cạnh đó, tòa cho rằng mục đích ban đầu của Vũ, Triết đi với Tám là ăn tối. Quá trình giải quyết vụ án, Triết và Vũ xác định biết sự việc Hoàng nợ tiền Tám. Khi Tám rủ Triết, Vũ đi tìm Hoàng đòi nợ thì hai người này đồng ý. Không trực tiếp đánh Hoàng nhưng Triết, Vũ để mặc việc Tám đánh Hoàng vì không trả nợ. Việc Tám lấy điện thoại của Hoàng không được bàn trước với Triết, Vũ và hành vi dùng vũ lực của Tám đã chấm dứt trước khi Tám chiếm giữ điện thoại của Hoàng. Vì vậy, cần điều tra, đối chất làm rõ vai trò, ý thức của các bị cáo Triết và Vũ.

Còn bị cáo Hòa, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Hòa không tham gia đánh bị hại, không có lời nói hay hành động nào khi Tám lấy điện thoại của bị hại. Theo lời khai của Hòa thì Hòa không biết Tám đi gặp Hoàng để đòi nợ, Hòa đeo tai nghe để nghe nhạc từ khi Tám đưa bị hại Hoàng lên xe chở đến khi Triết lái xe đến bến phà cũ, lời khai của Hòa phù hợp với lời khai của các bị cáo khác cũng như bị hại Hoàng.

Vì vậy, cần điều tra, đối chất làm rõ về mặt ý thức, Hòa có thống nhất về mặt ý chí với Tám và đồng phạm khác không; việc Hòa không can ngăn là đồng thuận với Tám hay không quan tâm chuyện riêng của Tám.

Xử sơ thẩm lần hai mới đây, TAND quận Ninh Kiều vẫn tuyên các bị cáo phạm tội cướp tài sản.

HĐXX sơ thẩm lần hai nhận định hành động im lặng của các bị cáo đã góp phần cổ vũ về tinh thần cho Tám thực hiện hành vi phạm tội. Vũ là người đưa ra mức giá điện thoại. Triết ngồi kế, chứng kiến hành động lấy tài sản của Tám. Hòa không ngồi cạnh Tám nhưng biết Tám lấy điện thoại, là người bàng quan, vô trách nhiệm, để mặc cho hậu quả xảy ra mặc dù bản thân có khả năng ngăn cản…

Chưa đủ cơ sở xác định Tám phạm tội cướp tài sản!

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và bị hại cho thấy mục đích Tám đánh Hoàng là để ép Hoàng trả nợ cho mình. Ngay tại thời điểm Tám lấy điện thoại của Hoàng thì cũng không có căn cứ nào trong hồ sơ thể hiện Tám đã dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho Hoàng lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm điện thoại của Hoàng (lời khai của bị hại Hoàng cũng xác định điều này). Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định việc Tám lấy điện thoại chỉ nhằm mục đích cấn trừ nợ.

Việc Tám đánh Hoàng đã xảy ra trước đó và đến thời điểm Tám lấy điện thoại của Hoàng thì việc Tám đánh Hoàng đã chấm dứt, sau đó hai bên còn trao đổi, thương lượng, thỏa thuận phương thức trả nợ nên không có việc Hoàng lâm vào tình trạng không thể chống cự được, Hoàng không bị tê liệt ý chí ngay tức khắc.

Vì vậy, với những tình tiết khách quan như trên thì chưa đủ cơ sở xác định Tám phạm tội cướp tài sản như tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết.

ThS TRẦN KIM LANH

Chuyên gia: Chưa hợp lý

Đối với nhận định trên của tòa, ThS Trần Kim Lanh cho rằng: Cấp sơ thẩm khi xét xử lại vụ án chưa chứng minh được về mặt ý thức của Hòa có thống nhất về mặt ý chí với Tám và các đồng phạm khác hay không, chỉ xác định được Hòa có đi chung xe và chứng kiến Tám đánh Hoàng, lấy điện thoại của Hoàng nhưng không can ngăn Tám.

Từ đó, tòa nhận định hành động im lặng của bị cáo là đã góp phần cổ vũ về tinh thần cho Tám thực hiện hành vi phạm tội. Nhận định này là không đúng với ý chí và ý thức chủ quan của Hòa trong suốt quá trình diễn biến xảy ra sự việc và chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đồng phạm.

BLHS quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, còn người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Nếu xác định Hòa là đồng phạm của Tám trong vụ án này với vai trò là người giúp sức vì đã có hành vi im lặng, không can ngăn Tám thì phải chứng minh được việc Hòa im lặng đã trực tiếp hỗ trợ tinh thần để Tám dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Tuy nhiên, không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh Hòa có ý chí thống nhất với Tám về việc thực hiện hành vi phạm tội, cũng như chứng cứ chứng minh về mặt ý thức chủ quan và ý chí của Hòa là im lặng để cổ vũ tinh thần cho Tám.

Ngoài ra, cũng không có căn cứ nào để chứng minh Hòa là người tạo điều kiện tinh thần cho Tám thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, “im lặng” khi thấy người khác thực hiện hành vi phạm tội không có nghĩa là tạo điều kiện về tinh thần cho người khác thực hiện tội phạm.

Luật sư Trần Bá Học, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng việc im lặng chỉ được xem là đồng phạm khi trước đó các bị cáo đã có sự bàn bạc, thống nhất ý chí về hành vi phạm tội hoặc khi thực hiện hành vi cụ thể, các bị cáo đã có những tác động cả về ý chí lẫn hành động nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội (đồng phạm giản đơn).

Do đó, không thể cho rằng Hòa phạm tội với vai trò đồng phạm với Tám.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm