10 tỉnh, thành có nguy cơ không hoàn thành tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch

(PLO)- Một số địa phương số hóa dữ liệu hộ tịch đạt thấp hoặc chưa triển khai do không bố trí kinh phí thực hiện.

Tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ Đề án 06/CP tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tổ chức tại TP.HCM ngày 14-11, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; Thư ký Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ nêu tiến độ về việc số hóa dữ liệu hộ tịch.

Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì.

Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo 12 địa phương gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Thuận, Bình Phước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Theo Đại tá Tấn, sau gần 3 năm triển khai, Đề án 06 đã đi sâu vào từng “ngóc-ngách”, nhận thức của 4 cấp từ Trung ương đến địa phương, là một hợp phần quan trọng của Chuyển đổi số quốc gia hiện nay.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác đã chỉ đạo, đôn đốc rất quyết liệt, tuy nhiên, công tác triển khai Đề án 06 tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn một số tồn tại.

Về dữ liệu hộ tịch, có 10 địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024, trong đó một số địa phương đạt thấp như: Ninh Thuận mới đạt 16%; Quảng Nam mới số hóa dữ liệu đạt 25%, hiện đang vướng mắc về thủ tục đấu thầu mua máy scan phục vụ lưu trữ bản ảnh.

Đồng Nai mới số hóa dữ liệu 53%, hiện UBND tỉnh đang bố trí kinh phí scan trang sổ, dự kiến năm 2025 mới hoàn thành. Thanh Hóa mới số hóa dữ liệu đạt 65%, chưa có kinh phí scan trang sổ.

Riêng tỉnh Kiên Giang chưa triển khai số hóa dữ liệu do chưa bố trí kinh phí để triển khai.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; Thư ký Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị

Đối với dữ liệu đất đai, 3 địa phương là Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên cơ bản đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai. Một số địa phương đạt thấp như: Phú Thọ chỉ hoàn thành xây dựng dữ liệu đất đai tại 1/13 đơn vị cấp huyện, Thanh Hóa mới xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được cho 85/558 xã thuộc 4 huyện (Triệu Sơn, Yên Định, Hà Trung, Thiệu Hóa)

Về cấp lý lịch tư pháp trên VNeID: Đã có 7/11 địa phương (Bình Phước, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Thanh Hóa, TP.HCM, Ninh Thuận) triển khai, còn Đồng Nai, Kiên Giang, Thái Bình, Thái Nguyên đang trong quá trình thử nghiệm.

Đối với triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, bên cạnh một số địa phương triển khai tốt như Nam Định (tỷ lệ tích hợp đạt 22,5%), TP.HCM (tỷ lệ tích hợp đạt 15%). Địa phương tỷ lệ tích hợp thấp như Ninh Thuận (8,6%), Quảng Nam (6,2%).

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến 5-11-2024, tại 5 địa phương vẫn còn các cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng BHYT chưa hoàn thành đẩy dữ liệu lên cổng giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội gồm: Đồng Nai (13 cơ sở), TP.HCM (33 cơ sở), Thái Bình (1 cơ sở), Thanh Hóa (6 cơ sở), Quảng Nam (3 cơ sở)

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu tại Hội nghị.

Về an ninh an toàn, có 5 địa phương hiện đang thuê hạ tầng tại VNPT (Quảng Nam, Phú Thọ, Thái Bình, Kiên Giang, Đồng Nai) đều có những tồn tại về an ninh an toàn như nhau. Hiện VNPT đã phối hợp với C06 tiến hành kiểm tra lại, kết quả VNPT đã khắc phục các tồn tại đã phát hiện.

Có 6 địa phương tự vận hành, quản trị hệ thống thông tin của tỉnh (Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bình Phước, Thái Nguyên ) qua kiểm tra, đánh giá còn tồn tại một số lỗi cấu hình chưa đảm bảo an ninh an toàn thông tin theo công văn 1552/BTTTT-THH ngày 26-4-2022 và 708/BTTTT-CATTT ngày 2-3-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, 06 địa phương trên đã phối hợp Tổ Công tác khắc phục các tồn tại đã phát hiện.

Về kinh phí triển khai, đã có 8 địa phương (Bình Phước, Đồng Nai, Kiên Giang, Nam Định, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thái Bình, TP.HCM) hoàn thành bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Có 3 địa phương (Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa) đang rà soát, phê duyệt, bố trí kinh phí.

Qua nghiên cứu báo cáo của 11 địa phương, Thư ký Tổ Công tác đã tổng hợp được 64 khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 06 thuộc trách nhiệm của 12 bộ, ngành, đã gửi các đơn vị để nghiên cứu.

Thư ký Tổ Công tác đề xuất các bộ, ngành thành viên Tổ Công tác có văn bản hướng dẫn, trả lời các địa phương trước ngày 20-11 để triển khai thực hiện.

Đối với TP.HCM, Thư ký Tổ Công tác đề nghị triển khai đồng bộ mô hình chuyển đổi số trong giáo dục. Theo đó, Thường trực Đề án 06 phối hợp với TP.HCM triển khai sử dụng dữ liệu hộ tịch trên VNeID để cắt giảm thủ tục hành chính, báo cáo lộ trình triển khai với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2024 để triển khai thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh trước 31-3/-2025, sau đó đánh giá, tổng kết và nhân rộng trên toàn quốc.

Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới