Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, kinh phí tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vận động xã hội lên tới khoảng 10.000 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương khoảng 600 tỉ đồng, ngân sách địa phương khoảng trên 3.200 tỉ đồng.
Một số địa phương đã trích nguồn kinh phí lớn cho công tác chăm lo Tết như TP.HCM đã tặng quà cho 635.437 lượt người có công với tổng kinh phí gần 533,3 tỉ đồng; Hà Nội tặng quà cho 362.145 lượt người có công với tổng kinh phí gần 281,3 tỉ đồng; Quảng Nam tặng quà cho 88.361 lượt người có công với tổng kinh phí gần 102,35 tỉ đồng; Bình Thuận tặng quà cho 78.150 lượt người có công với tổng kinh phí trên 99 tỉ đồng…
Các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà Tết trị giá gần 700 tỉ đồng cho 11 triệu lượt người thuộc hộ nghèo và cận nghèo; trên 1,6 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà trị giá 600 tỉ đồng; gần 700 triệu lượt người cao tuổi được mừng thọ, tặng quà Tết trị giá gần 450 tỉ đồng.
Ngoài ra, ngay trong tháng đầu năm Chính phủ đã ban hành năm quyết định hỗ trợ gạo cho cho người dân dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2023. 17 tỉnh với hơn 18.000 tấn gạo được hỗ trợ cho gần 200.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu.
17 tỉnh được hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, gồm Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Nông, Quảng Bình, Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Gia Lai, Hà Giang, Bình Phước, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
Theo đó, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 16.900 tấn gạo dịp Tết cho 182.802 hộ với 1.127.990 nhân khẩu và hơn 1.082 tấn gạo dịp giáp hạt cho 17.007 hộ với 72.144 nhân khẩu. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.