Theo hãng tin AP, xác của 1.100 con cá heo đã được tìm thấy trên các bãi biển thuộc bờ biển Đại Tây Dương của Pháp kể từ tháng 1. Những con cá heo không chỉ chết mà còn bị cắt xẻo.
Số lượng lớn cá heo chết có thể là hậu quả của ngành công nghiệp đánh bắt cá. Các nhóm bảo vệ động vật trên toàn thế giới đã bày tỏ quan ngại và Bộ trưởng Sinh thái của Pháp đã phát động một chiến dịch quốc gia để bảo vệ chúng trong tương lai.
"Chưa bao giờ con số này cao đến vậy. Đây là mức cao nhất trong 40 năm qua", ông Willy Daubin, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia thuộc Đại học La Rochelle, nói với AP.
Ông Daubin cho hay, 90% trường hợp chết là hậu quả của việc cá heo vô tình bị mắc vào lưới đánh cá công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa có một lý do rõ ràng cho sự gia tăng đột biến của năm nay.
Kết quả khám nghiệm xác cá heo được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia của Đại học La Rochelle cho thấy "mức độ cắt xẻo nghiêm trọng". Điều này là do ngư dân thường cắt bỏ các bộ phận cơ thể của cá heo mắc vào lưới của họ để bảo quản lưới.
Xác cá heo dạt vào bờ biển Pháp. Ảnh: CBS NEWS
Bộ trưởng Sinh thái Pháp Francois de Rugy đang cố gắng hạ thấp số lượng cá heo chết do con người gây ra. Ông đang hỗ trợ nghiên cứu tăng cường về các thiết bị chống thấm âm, gửi tín hiệu khó chịu đến những con cá heo gần đó, khiến chúng phải bơi đi. Nghiên cứu sẽ xem xét các thiết bị hiện có trong 26 tàu đánh cá thương mại ngoài khơi Vịnh Biscay ở Đại Tây Dương.
Nhưng nhóm bảo vệ động vật Sea Shepherd gọi các thiết bị là "vô dụng". Vì nhiều ngư dân không thực sự sẵn lòng kích hoạt các thiết bị vì sợ các đàn cá có thể biết mà lẫn tránh. Nhóm này cũng tuyên bố các thiết bị gây ô nhiễm tiếng ồn không phải là giải pháp lâu dài bền vững và dẫn đến sự phá hủy mọi sinh vật biển.
Cô Lamya Essemlali, Chủ tịch của Sea Shepherd France, cho biết tỷ lệ đánh bắt công nghiệp hiện tại có khả năng khiến cá heo bị tuyệt chủng. Sự tăng đột biến trong cái chết của cá heo bắt đầu từ ba năm trước, khi việc đánh bắt cá tuyết được phục hồi sau một thời gian dài bị cấm.
Cô Essemlali cũng cho rằng cuộc khủng hoảng này cũng bắt nguồn từ nhu cầu gia tăng đối với nguồn cá giá rẻ. Theo Ủy ban châu Âu, tiêu thụ hải sản toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong 50 năm qua, một tỷ lệ mà các nhóm bảo vệ động vật cho là không bền vững.