17.000 cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử: Không dễ

(PLO)- Công ty bán lẻ xăng dầu đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ nói rõ lý do khó xuất hóa đơn sau mỗi lần bơm xăng cho khách hàng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó đề nghị bổ sung quy định về lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo đó, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống HĐĐT…

Bộ Tài chính trước đó cũng yêu cầu áp dụng HĐĐT tại tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

P11_xangdau_hoanggiang-(8).jpg
Khách hàng đang đổ xăng tại một cửa hàng ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khó xuất HĐĐT sau mỗi lần bơm xăng

Nhiều nhà bán lẻ xăng dầu cho rằng hiện cả nước có 17.000 cây xăng, nếu phải kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, áp dụng HĐĐT sẽ phát sinh chi phí rất lớn và không cần thiết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một số công ty xăng dầu cho biết bán hàng và xuất hóa đơn là việc mà tất cả nhà bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Đối với HĐĐT, nhiều đơn vị đã thực hiện từ tháng 7-2022 đến nay. Tuy nhiên, việc kết nối HĐĐT với cơ quan thuế khiến phát sinh thêm rất nhiều chi phí. Đơn cử như phải thay thế trụ bơm xăng dầu cho phù hợp, phát sinh chi phí mua HĐĐT và phải có đường truyền ổn định, cơ quan thuế cũng phải làm việc 24/24 giờ…

“Mỗi cây xăng có ít nhất bốn trụ bơm xăng dầu, một nhà bán lẻ có ít nhất một cửa hàng xăng dầu nên để thực hiện được yêu cầu kết nối HĐĐT với cơ quan thuế cần chi phí rất lớn. Ví dụ, với các trụ bơm phải thay đổi công nghệ để áp dụng HĐĐT và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế cần chi phí 20-30 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Như vậy, với cửa hàng có bốn trụ bơm thì con số đầu tư lên tới cả trăm triệu đồng. Còn với các công ty có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì tốn tiền tỉ. Đó là chưa kể phải đầu tư cho thiết bị in hóa đơn, kết nối cáp vào máy tính để xuất hóa đơn theo từng trụ bơm…” - đại diện một công ty bán lẻ xăng dầu tính toán.

Việc áp dụng ngay hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với các cơ quan thuế có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu.

Không chỉ vậy, nếu yêu cầu phải xuất HĐĐT sau mỗi lần bán được áp dụng thì càng không hợp lý, làm khó nhà kinh doanh. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát, nhấn mạnh: “Yêu cầu cây xăng phải xuất hóa đơn mỗi lần bơm là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay, do người dân mua và thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, rất ít người có nhu cầu nhận hóa đơn”.

Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mới đây xung quanh quy định về xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - chuyên kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Trà Vinh, nêu rõ: Hiện nay, các hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra đều được nhà cung cấp xăng dầu bán lẻ tổng hợp, kê khai báo cáo thuế hằng tháng, hằng quý nên cơ quan thuế dễ dàng đối chiếu, không thể nào có chuyện bỏ ngoài sổ sách để trốn thuế.

Vì vậy, vấn đề gian lận mà Bộ Công Thương lo ngại là không thể xảy ra tại cửa hàng xăng dầu, ngoại trừ doanh nghiệp xăng dầu mua gian lận ngoài hải phận, không có đầu vào và không đúng nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Nói cách khác, xăng dầu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì không trốn thuế được.

Ngoài ra, ông Tây phân tích: Mỗi hóa đơn phát hành, nhà bán lẻ xăng dầu phải mua với giá 433-520 đồng, trong khi hoa hồng bán lẻ chỉ 300-400 đồng/lít. Đó là chưa kể ở vùng xa, người dân có thu nhập thấp mỗi lần mua xăng có khi chỉ 20.000 đồng, chưa đến 1 lít xăng mà phải xuất một hóa đơn có giá trị đến khoảng 500 đồng thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng.

Không thể xuất hóa đơn cho từng người

Phân tích về sự bất hợp lý nếu yêu cầu cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn đến từng người mua hàng, một doanh nghiệp lấy ví dụ: Trong một buổi sáng, quán cà phê nếu có 100 khách nhưng diễn ra trong thời điểm 3-4 tiếng thì xử lý được. Còn cửa hàng xăng dầu dồn một lúc cả trăm khách thì người bán hàng còn không đủ, lấy đâu ra thời gian mà xuất hóa đơn cho từng người được?

Áp dụng ngay có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp

Nhiều nhà bán lẻ xăng dầu đề xuất cơ quan quản lý chỉ cần xây dựng cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, nền tảng kỹ thuật tốt và kết nối đến từng cửa hàng để thu thập dữ liệu bán hàng tại từng trụ bơm, chứ không nên yêu cầu xuất hóa đơn mỗi lần bán gây lãng phí tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Trong khi chi phí kinh doanh định mức của bán lẻ xăng dầu theo nghị định, thông tư vẫn chưa được phân định rõ ràng cho doanh nghiệp bán lẻ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng đề xuất về việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT với các cơ quan thuế là hợp lý. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn nên thực hiện sau mỗi ca, mỗi ngày làm việc giống như hiện nay, chứ không thể xuất hóa đơn mỗi lần bơm hàng, mua hàng sẽ gây khó khăn cho nhà kinh doanh.

Giải đáp về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết đề nghị trên xuất phát từ đề xuất của Bộ Tài chính về việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT với các cơ quan thuế. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết hiện cả nước có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trải khắp mọi miền. Việc áp dụng ngay quy định HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT với các cơ quan thuế có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Bộ Công Thương cũng cho hay sau khi trao đổi về vấn đề này, các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương nhưng đề nghị cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn cụ thể về HĐĐT và lộ trình thực hiện.•

Kết nối để phát hiện hành vi trốn thuế

Mới đây, trả lời trước Quốc hội về yêu cầu các cửa hàng xăng dầu phải xuất HĐĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ tháng 7-2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc phải thực hiện vấn đề xuất HĐĐT.

Đối với cơ sở kinh doanh nhà ăn, nhà hàng, siêu thị và kinh doanh xăng dầu, bộ cũng chỉ đạo yêu cầu xuất HĐĐT. Đồng thời có hỗ trợ hướng dẫn kết nối máy tính tiền với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Đến nay, trên 50% các siêu thị, nhà hàng và 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đã có kết nối với cơ quan thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc quản lý thông qua AI, Big data để phát hiện hành vi trốn thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm