Cụm từ đanh thép này, dù vang lên như một chiến thắng của chính quyền Trump và một hứa hẹn cho tình hình chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, vốn dĩ không hề dễ dàng thực hiện. Vấn đề chính là sự khác nhau ở khía cạnh nhận thức.
Rõ ràng phía Mỹ mà cụ thể là cả ông Trump lẫn thuộc cấp - Ngoại trưởng Mike Pompeo đều vào cuộc quá cuồng nhiệt. Thậm chí ông Trump không ngại bày tỏ “chiến thắng” thường xuyên trên Twitter, thể hiện sự tự tin của chính quyền Mỹ trong việc khiến Bình Nhưỡng từ bỏ các cơ sở hạt nhân khổng lồ, vốn là điểm tựa quyền lực của Triều Tiên suốt mấy chục năm qua. Trong khi đó, chính nội bộ Mỹ cũng đang “bất nhất” đối với số phận Bình Nhưỡng. Chưa biết thực tâm của Washington chỉ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hay hoàn toàn xóa sổ sự lãnh đạo của chính quyền Kim Jong-un, thì sự vào cuộc nặng tính bề nổi và đòi hỏi hơn là thảo luận về một tiến trình có lợi cho cả đôi bên đã tạo ra sự khác biệt với tâm thế của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng từng bước thận trọng và không trao quyền kiểm soát vào tay Mỹ. Rõ ràng việc phá hủy một cơ sở hạt nhân và thực hiện nhiều động thái ngoại giao tích cực chỉ dừng ở mức bày tỏ thiện chí chứ chưa thể hiện sự sẵn sàng của Triều Tiên trong từ bỏ hạt nhân. Điều mà ông Kim cần chính là sự ổn định kinh tế sau nhiều năm bị cấm vận và tối quan trọng là ổn định chính trị khi tiến trình phi hạt nhân hóa (nếu) có diễn ra. Nhưng cả hai mục tiêu này phía Mỹ đều chưa đáp ứng cơ bản, trong khi đe dọa từ mô hình Libya và bài học về số phận của lãnh đạo Muammar al-Gaddafi có sức thuyết phục hơn rất nhiều.