20 năm, dân khốn đốn trên đất quy hoạch

Năm 1998, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quyết định quy hoạch tổng thể khu vực Cồn Hến để xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ giải trí cấp cao.

Chỉ dám chắp vá, sửa chữa

Đến giữa năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch, dịch vụ cao cấp Cồn Hến với diện tích 26,4 ha, gồm diện tích đất 23,8 ha và mặt nước 2,6 ha… Thế nhưng 20 năm qua, những đứa trẻ sinh vào thời điểm đó đã đến tuổi trưởng thành, còn dự án thì vẫn chưa thể triển khai.

Nhiều người dân nhớ lại khoảng 20 năm trước, khi nghe có dự án quy hoạch Cồn Hến thành khu du lịch sinh thái và dịch vụ cao cấp, người dân ở đây ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi vì sự phát triển của quê hương. Thế nhưng niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì chợt tắt.

Ông Nguyễn Văn Minh (61 tuổi), người đã sống ở Cồn Hến từ nhỏ đến lớn cho biết bắt đầu từ năm 1998 ông đã nghe nói đến việc di dời dân ở Cồn Hến để xây dựng nơi đây thành điểm vui chơi, giải trí. Đến những năm gần đây, dân trên cồn lại nghe đến việc địa phương quy hoạch chi tiết Cồn Hến để mở khu dịch vụ, du lịch giải trí. Nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.

20 năm nay, khu vực Cồn Hến vẫn đang là khu quy hoạch “treo”. Nhiều nhà dân bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không dám xây mới (ảnh nhỏ). Ảnh: NGUYỄN DO

Chờ nhà đầu tư

Được biết quy hoạch Cồn Hến sẽ xây dựng các công trình gồm trung tâm công cộng kết hợp dịch vụ (khoảng 13.297 m²); khu chức năng hỗn hợp; khu du lịch dịch vụ (7.984 m²) nằm ở phía Nam Cồn Hến; khu nghỉ dưỡng cao cấp (74.367 m²) và quảng trường hơn 16.800 m²... Tuy nhiên, suốt thời gian qua dự án vẫn còn nằm trên giấy vì không có nhà đầu tư.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết hiện nay tỉnh vẫn đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư cho dự án này.

Theo giám đốc Sở KH&ĐT, trong thời gian qua cũng có 3-4 nhà đầu tư đến tìm hiểu nhưng chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề làm chủ đầu tư. Điều khó khăn là để đầu tư vào Cồn Hến, doanh nghiệp cần bỏ ra số tiền rất lớn nhằm di dời, tái định cư cho 750 hộ dân ở khu vực này, chưa kể đến khoản kinh phí khác đầu tư cơ sở hạ tầng.

“Đặc biệt, địa thế này nằm ở giữa sông Hương nên việc xây dựng như thế nào để không phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch cũng là bài toán khó” - ông Định nói.

Như vậy số phận của khu dự án Cồn Hến cũng chưa biết đến khi nào mới được an bài!

Nghịch cảnh nhà yếu lại phải chống chọi mưa lũ

Điều khiến người dân lo lắng là những ngôi nhà nằm trên đất quy hoạch ngày một xuống cấp. Nhìn những căn nhà yếu ớt chống chọi những trận mưa lũ, ai nấy đều lo lắng. Dẫu vậy nhưng không ai dám xây mới hay đại trùng tu căn nhà mà chỉ sửa chữa, chắp vá những phần hư hỏng vì sợ di dời.

Bà Tống Thị Bé (67 tuổi) kể: “Gia đình tôi không dám mở rộng, xây dựng nhà cửa, chỉ khi nào hư hỏng quá nghiêm trọng thì mới sửa chữa, chắp vá lại thôi. Nhiều gia đình ở đây làm chỉ đủ ăn, thấy nhà hư hỏng nhưng họ vẫn gắng sống chứ không ai dám vay mượn tiền để xây dựng khi không biết phải di dời lúc nào”.

Cũng vì quy hoạch “treo” nên nhiều công trình công cộng ở khu vực này dù đang xuống cấp, hư hỏng cũng không được sửa chữa, xây mới. Trong đó có Trường Tiểu học Phú Lưu đang đứng trước những thiếu thốn về cơ sở vật chất lại không được đầu tư xây dựng vì vướng quy hoạch.

Để vậy mệt lắm

Chúng tôi chỉ mong Nhà nước giải quyết nhanh chuyện này, hoặc là di dời, hoặc là có một kết luận cuối cùng để chúng tôi còn biết đường chứ để vậy mệt lắm. Ở đây có nhiều nhà đông con, họ muốn bán nhà, bán đất nhưng giờ đất ở đây bị quy hoạch thì ai dám mua.

Ông Nguyễn Haingười dân ở khu vực Cồn Hến

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm