Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết năm 2020 TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải đường sông Bạch Đằng - Củ Chi - Bình Dương và tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Tiếp đến, trong năm 2021, Sở GTVT cũng triển khai và hoàn thành tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Đáp ứng nhu cầu du lịch cho người dân
Theo ông Bùi Hòa An, hiện tại người dân TP.HCM muốn tham quan huyện Côn Đảo thì chủ yếu đi bằng đường hàng không với thời gian bay khoảng 60 phút, thời gian làm thủ tục tại sân bay cũng hết khoảng 60 phút. Tuy nhiên, việc mua vé máy bay khó khăn do số chuyến bay ít (máy bay nhỏ, khoảng 70 khách/chuyến) nên không đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, chi phí vé máy bay cao.
Hiện tại, có một số chuyến tàu xuất phát từ Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu đi Côn Đảo, tuy nhiên không thuận tiện để người dân TP.HCM tham gia các tuyến giao thông thủy này.
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến giao thông thủy kết nối giữa TP.HCM - Vũng Tàu vừa được đưa vào khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG
Theo ông An, việc mở tuyến vận tải bằng tàu biển từ TP.HCM đi Côn Đảo là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh cũng như nghỉ dưỡng của người dân TP. Thời gian hành trình từ bến Bạch Đằng đi Côn Đảo dự kiến 5-6 giờ, giá vé bình quân 900.000 đồng/lượt.
Hiện tại, cầu cảng tại huyện Côn Đảo đã quá tải, không đáp ứng nhu cầu của các phương tiện tàu cá, tàu du lịch cập bến, cho nên trong năm 2020 TP.HCM chưa thể triển khai được tuyến tàu biển từ Sài Gòn đi Côn Đảo.
Trong năm 2021, Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo sắp xếp vị trí cầu bến cho các tàu biển từ TP.HCM cập bến Côn Đảo. Đồng thời, các sở, ngành địa phương sẽ hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục về mở tuyến, cấp phép hoạt động để sớm triển khai, khai thác tuyến vận tải hành khách, du lịch này.
Nên làm và cần làm sớm
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng tuyến hàng không đi Côn Đảo nhiều năm nay đã quá tải và không tiếp nhận được thêm nhiều người. Hiện nay, gần TP.HCM có đón khách đi Côn Đảo thì chỉ có tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo, đây là sự lựa chọn tốt nhất cho người dân hiện nay.
“Việc xây dựng thêm tuyến TP.HCM - Côn Đảo thực chất là sự tiếp nối rất tốt giữa TP.HCM với tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo nên việc xây dựng tuyến này hoàn toàn hợp lý. Từ đó người dân có thêm sự lựa chọn khác, đồng thời tuyến tàu cao tốc này sẽ chia sẻ áp lực giao thông với đường bộ khi các tuyến kết nối đều bị rơi vào tình trạng quá tải. Vì thế, tôi thực sự kỳ vọng vào tuyến tàu cao tốc này và tôi tin nó sẽ thành công” - ông Sơn kỳ vọng.
Ông Sơn cho rằng chủ đầu tư nên tính toán đến phương án xây dựng du thuyền để người dân có thể tham quan, nghỉ dưỡng và sẽ thu hút khách nước ngoài hơn nữa. Song song, ngành chức năng cũng cần tính toán các phương án để làm sao Côn Đảo vừa là một điểm du lịch thu hút người dân, vừa vẫn giữ Côn Đảo là điểm du lịch hấp dẫn.
|
Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết tuyến cao tốc TP.HCM - Côn Đảo này nên làm và cần làm sớm. Có thể thấy Côn Đảo là mảnh đất lịch sử gắn liền với du lịch tâm linh nên vô cùng thu hút người dân. Tuy nhiên, địa hình Côn Đảo khó có thể xây dựng sân bay ngay được. Đồng thời, máy bay chuyên chở khối lượng lớn khó có thể đáp ứng được trong thời điểm này nên việc xây dựng một tuyến tàu cao tốc là cần thiết.
“Có thể thấy tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo sẽ thu hút người dân và du khách có thể đi lại được ngay, đặc biệt là du khách có xuất phát điểm từ TP.HCM” - ông Long đánh giá.
“Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần cân nhắc tần suất bao nhiêu, phát triển ra sao để phục vụ nhu cầu của người dân nhằm giảm tải áp lực giao thông đường bộ. Từ đó thúc đẩy năng lực du lịch của Côn Đảo” - ông Long đánh giá.•
Cần thiết kết nối đất liền ra đảo Tiềm năng kết nối ven biển chưa được đánh thức, sự liên kết ven biển mới giúp cho đất nước phát triển. Việc phát triển kết nối đất liền với đảo là điều chúng ta nên làm và làm ngày càng nhiều hơn, tạo sự kết nối liên tục, lâu dài bởi giao thông là mạch máu, không nên chỉ dựa vào hàng không. Chúng ta phải xây dựng hành lang pháp lý để làm cho được tuyến tàu này, để người dân có thể được sử dụng một cách lâu dài. Trong việc vận hành, phải làm sao để chuyến tàu này được bền vững và tăng sự kết nối với các địa phương. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta cần áp dụng tàu cao tốc để thuận tiện hơn, thu hút người dân hơn. Vì vậy, tôi cho rằng chuyện làm tuyến tàu Côn Đảo là cần thiết, thiết thực, là một phương thức vận tải hành khách thực sự mà người dân tin dùng. Các doanh nghiệp cũng luôn khao khát được thực hiện được điều này. Ông BÙI KIM TOẢN, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 |