Thí sinh làm thủ tục tại kỳ thi tuyển sinh đại học 2014
Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội công bố hai ngành có môn thi chính là ngôn ngữ Anh (tiếng Anh nhân hệ số 2), công nghệ kỹ thuật hóa học (môn hóa nhân hệ số 2).
Nhờ cách tính ưu tiên mới, ngành ngôn ngữ Anh có thêm sáu thí sinh từ rớt thành đậu và con số này ở ngành công nghệ kỹ thuật hóa học là 15 thí sinh.
Với chỉ tiêu tuyển sinh ngành ngôn ngữ Anh là 140, ngành công nghệ kỹ thuật hóa học là 360 và tỉ lệ nhập học thường đạt 90%, trường quyết định không thay đổi mức điểm chuẩn dự kiến để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh đã dự kiến trúng tuyển theo mức điểm chuẩn dự kiến tính toán từ trước.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã chính thức công bố điểm chuẩn. Trường có các ngành sư phạm ngôn ngữ (sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Pháp) nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ, nhưng không công bố các ngành này có môn thi chính, nên việc tính điểm ưu tiên vẫn áp dụng như trước đây.
Điểm chuẩn ngành sư phạm tiếng Anh là 31 điểm, sư phạm tiếng Pháp là 20 điểm. Còn lại, trừ các ngành năng khiếu, mức điểm chuẩn vào trường dao động từ 15-25 điểm.
Ngành có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm toán học (25 điểm), tiếp đến là ngành sư phạm hóa học, giáo dục tiểu học (cùng mức điểm chuẩn 23).
Trường dành gần 200 chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển nguyện vọng 2 vào các ngành công nghệ thông tin, toán học, công tác xã hội, sư phạm tiếng Pháp...
Tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, mức điểm chuẩn có sự đảo chiều bất ngờ so với mặt bằng chung các trường y dược khác khi điểm chuẩn ngành răng - hàm - mặt lại vượt lên cao hơn cả ngành y đa khoa.
Theo đó, năm 2013 điểm chuẩn cao nhất của trường thuộc về ngành y đa khoa (25,5 điểm), còn điểm chuẩn ngành răng - hàm - mặt chỉ dừng ở mức 22 điểm. Tuy nhiên, năm 2014 điểm chuẩn ngành răng - hàm - mặt lại vươn lên vị trí số 1 với mức điểm trúng tuyển là 24,5.
Trong khi đó ngành y đa khoa có điểm chuẩn thấp hơn, ở mức 24 điểm. Tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, điểm trúng tuyển vào trường dao động từ mức 20-24,5 điểm.
Theo Ngọc Hà (TTO)