3 đề xuất trị người say xỉn lái xe gây tai nạn

Chạy xe trong lúc say xỉn nhiều người hay mắc phải nhưng điều trớ trêu là họ lại có thái độ thờ ơ trước khi cầm vô lăng hoặc điều khiển xe hai bánh.

Về hành chính, theo Nghị định 46/2016 mức phạt cao nhất với người lái xe lên đến 18 triệu đồng (bị tước bằng 4-6 tháng). Thoạt nghe thì nghĩ đây là chế tài nặng nhưng so với các nước thì còn khá nhẹ. Do vậy cần tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu bia sau đó lái xe, trong đó cần tăng chế tài tạm giữ bằng lái lên ít nhất là một năm, thậm chí tước quyền lái xe vĩnh viễn.

Hiện trường vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh. Ảnh: PLO

Nhưng quan trọng là thái độ của lực lượng CSGT trong quá trình xử phạt hành chính, phải loại bỏ hiện tượng “cưa đôi” khi xử lý. CSGT phải quyết xử lý, nếu vì lợi ích vật chất mà bỏ qua lỗi vi phạm về nồng độ cồn là tiếp tay cho hành vi phạm tội. Chỉ cần “du di” cho người vi phạm một lần là những người tham gia giao thông khác sẽ truyền tai nhau và coi đó là tiền lệ để làm theo.

Vấn đề nữa là cần phải sớm số hóa và đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông nói chung và vi phạm của người uống rượu bia nói riêng. Mục đích là để xử lý áp dụng chế tài tăng nặng với những người tái phạm. Đây cũng là điều kiện để nhà làm chính sách đưa ra những biện pháp phù hợp trước vấn nạn này ngày càng tăng. Chẳng hạn như nếu người đó tái phạm lần thứ ba thì phải học lại luật và phải qua kỳ kiểm tra mới được cấp lại bằng lái.

Về trách nhiệm hình sự, nhiều nước đã coi hành vi này là một loại tội phạm nguy hiểm và có biện pháp chế tài nghiêm khắc. Có nước đã quy định mức độ hình phạt tù cao nhất lên đến chung thân, kèm theo đó là mức phạt tiền rất nặng và các hình phạt khác như tước bằng lái vĩnh viễn.

Ở nước ta, Điều 260 BLHS 2015 (tội vi phạm quy định về an toàn giao thông) quy định mức hình phạt cao nhất là 7-15 năm tù. Tuy nhiên, mức thấp chỉ là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm tùy tính chất, mức độ của hành vi. Như vậy, tòa án vẫn có thể áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ và xử án treo. Hình phạt này còn quá nhẹ.

Khoản 5 Điều 65 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án… Tôi nghĩ hành vi say xỉn nhưng cố ý lái xe gây tai nạn phải được xếp vào nhóm tội “mà dư luận xã hội lên án”. Bởi hậu quả của nó rất nặng nề, gây ám ảnh cho nhiều gia đình và cả xã hội, nếu đã vi phạm thì không cho hưởng án treo. Ngoài ra, cần loại bỏ hẳn hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ trong điều luật này mới có tác dụng răn đe người vi phạm và phòng ngừa chung.

Thiếu tá-ThS ĐẶNG ĐỨC MINH, Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm