Ấn tượng nhất với cử tri cả nước là một không khí chất vấn rất sát sườn và nảy lửa tại nghị trường lần này. Các cụm vấn đề chất vấn đã đột đúng vào các bức xúc của xã hội từ câu chuyện sân sau trong đầu tư, chuyện bức tử môi sinh cho đến chuyện bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, chuyện cả họ làm quan “đúng quy trình”… Những từ khóa “nóng” nhất từ đời sống xã hội như “thép Cà Ná”, “Vũ Huy Hoàng”, “Trịnh Xuân Thanh”, “xả lũ đúng quy trình dân bị ngập”, “cán bộ đánh dân”… thường xuyên xuất hiện trong chất vấn. Điều đó đã làm nên một Quốc hội tương tác, khi cử tri cảm thấy chính những bức xúc bản thân mình được đại biểu chia sẻ, thúc đẩy giải quyết tại hoạt động của cơ quan dân cử do mình bầu ra, đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của quốc gia.
Tại kỳ họp này không gian tranh luận của đại biểu đã được mở rộng ra rất nhiều. Cái kiểu chất vấn “xin ông cho biết, xin bộ trưởng cho hay” đã nhường chỗ cho những câu hỏi rất thẳng thắn “có hay không”, “đúng vậy không”, “trách nhiệm ở đâu”, “có lợi ích nhóm ở đây không?”… Cách chất vấn và nội dung chất vấn như thế đã đặt người trả lời phải đặt vào thế đối diện với cả dư luận xã hội, với hàng triệu cử tri. Một khi người trả lời chất vấn đi trệch hoặc trả lời nhạt, né tránh, đại biểu ngay lập tức được tiếp tục tranh luận buộc người trả lời đi vào đúng trọng tâm để làm rõ vấn đề hơn nữa.
Cùng với 35 lượt đại biểu tranh luận tại Quốc hội lần này, cử tri sẽ rất khó quên những truy vấn nảy lửa của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền với bộ trưởng Công Thương trong lần đầu tiên thực hiện quyền chất vấn của mình. “Tôi đề nghị bộ trưởng hãy trả lời thẳng, trả lời thật với cử tri cả nước có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án? Có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?... Việc bất chấp những phản biện khoa học, tâm huyết của các chuyên gia để cơ quan chức năng bổ sung quy hoạch dự án này có được xem là hành vi dẫn đến tội ác hay không?”.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho thấy sự cẩn trọng rất cần thiết trong chương trình xây dựng pháp luật của mình. Việc quyết định lùi hai dự án luật mà dư luận vô cùng quan tâm là Luật về hội và Luật sửa đổi BLHS 2015, khi nhận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa giải quyết hết các yêu cầu đặt ra đã cho thấy Quốc hội đã lưu tâm đặc biệt đến chất lượng của các dự luật trước khi bấm nút thông qua. Chắc chắn không có sức ép nào lớn hơn sức ép về trách nhiệm của Quốc hội trước cử tri, trước sự phát triển, nếu các dự luật ra đời mà chết yểu trước khi đi vào cuộc sống.
Tất nhiên, để thuyết phục cử tri, ĐBQH phải tiếp tục thể hiện bản lĩnh ấy. Các vấn đề chất vấn, truy vấn nảy lửa, sự cột trách nhiệm đầy mạnh mẽ tại nghị trường chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được giải quyết trên thực tế. Và những tín hiệu phát đi từ kỳ họp cho phép cử tri cả nước được đặt kỳ vọng vào điều đó!