“Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ (CP) cân nhắc kỹ lưỡng, không ảnh hưởng đến mối quan hệ với các đối tác nước ngoài” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng CP Mai Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề về điện hạt nhân Ninh Thuận do Văn phòng CP tổ chức chiều tối 22-11.
Không ảnh hưởng đến an ninh điện
Theo Bộ trưởng Dũng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2009. Dự án gồm hai nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. CP đã chỉ đạo thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, năm 2016, CP xin ý kiến QH dừng dự án này và chiều 22-11, QH biểu quyết thông qua việc dừng dự án.
“Nguyên nhân dừng không phải do công nghệ mà do điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam còn phải tập trung vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam và các dự án khác như xử lý biến đổi khí hậu, hạn hán miền Trung, Tây Nguyên, ngập mặn miền Tây Nam Bộ... ” - Bộ trưởng Dũng nói.
Người phát ngôn của CP cho biết dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều và có tiềm năng sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. “Việc dừng dự án không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện do có thể bổ sung các nguồn điện khác như nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, khí hóa hỏng cũng như xem xét tăng cường mua điện từ Lào. Từ nay đến năm 2030, CP xem xét đầu tư thay thế các nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và các nhà máy tuabin khí với tổng công suất 6.000 MW, đảm bảo thay thế sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2” - ông nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đang phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Bài học về dự báo chính sách
Bộ trưởng Dũng cho biết việc dừng thực hiện dự án này đã được CP trao đổi với các đối tác. Mặc dù các đối tác Nga, Nhật Bản bày tỏ sự đáng tiếc, song về cơ bản họ cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam.
Đồng thời CP Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân này. “CP Việt Nam khẳng định rằng việc dừng thực hiện dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản” - ông Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết nhân lực điện hạt nhân đang được đào tạo tại Liên bang Nga và Nhật Bản sẽ tiếp tục được đào tạo cho đến khi tốt nghiệp với thiện chí của CP Nga và Nhật Bản. Đây là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản có thể sử dụng trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình cũng như trong các nhà máy nhiệt điện và các ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đối với chi phí đã thực hiện của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến dự án, CP sẽ chỉ đạo tổng hợp để giải quyết theo thẩm quyền. CP cũng sẽ bàn với CP Liên bang Nga và Nhật Bản để sử dụng các kết quả đã đạt được trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.
Bài học về dự báo Việc dừng dự án là quyết định rất khó khăn của CP, QH bởi thời gian thực hiện dự án đã hơn bảy năm, một số hạng mục đã triển khai. Năm 2010, Bộ GD&ĐT cũng cử hơn 400 sinh viên, cán bộ, kỹ sư sang Nga đào tạo về điện hạt nhân. Tuy nhiên, qua việc này các cơ quan liên quan cũng rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác dự báo. Cách đây bảy năm, chúng ta không bao giờ nghĩ giá dầu có thể xuống 40-50 USD/thùng như hiện nay. Qua đây cũng rút ra bài học sâu sắc cho người làm công tác hoạch định chiến lược để việc hoạch định chính sách, chiến lược hợp lý hơn. Thứ trưởng Bộ Công Thương HOÀNG QUỐC VƯỢNG |