Chiều tối 22-11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo chuyên đề về điện hạt nhân Ninh Thuận. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì họp báo.
Ông Dũng cho biết cách đây ít phút, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việc dừng dự án đã được Chính phủ cân nhắc kỹ lượng, thận trọng và không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; đồng thời việc dừng dự án không phải do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo chiều tối 22-11-2016.
Theo đó, Việt Nam đang tập trung nguồn vốn đầu tư trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam và các dự án khác như xử lý biến đổi khí hậu, hạn hán miền Trung, Tây nguyên, ngập mặn miền Tây Nam Bộ... Trên cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Lý do dừng dự án không phải do công nghệ mà do vấn đề tài chính nêu trên. Công nghệ của Nga tại dự án điện hạt nhân Ninh thuận có công nghệ đảm bảo an toàn" - ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng khẳng định việc dừng dự án là quyết định được cân nhắc kỹ để bảo đảm phát triển bền vững quốc gia. Chính phủ mong nhận được sự cảm thông của nhân dân và các đối tác nước ngoài.
Để thay thế nguồn năng lượng từ điện hạt nhân Ninh Thuận, người phát ngôn Chính phủ cho biết theo tính toán đến năm 2030 nếu dự án hoàn thành sẽ đóng góp 3,6% về công suất và 5,7% sản lượng điện sản xuất của hệ thống điện quốc gia. Việc dừng dự án không làm ảnh hưởng đến an ninh cung cứng điện do có thể bổ sung các nguồn điện khác như nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, khí hóa hỏng cũng như xem xét tăng cường mua điện từ Lào.
Từ nay đến năm 2030, Chính phủ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường và các nhà máy tuabin khí với tổng công suất 6.000 MW, đảm bảo thay thế sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm.
Việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ trao đổi với các đối tác Nga và Nhật Bản cùng với thời điểm báo cáo Quốc hội xin chủ trương dừng thực hiện dự án. Mặc dù các đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc về việc dừng thực hiện dự án với nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; song về cơ bản, các đối tác Nga và Nhật Bản đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam.
Đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng việc dừng thực hiện dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản.