5 dự án BOT ở TP.HCM xây trên cao hay đi bằng?

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các đơn vị nghiên cứu 5 dự án BOT nếu đề xuất tuyến đi trên cao phải có giải pháp chống ồn khi đi qua khu vực dân cư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm vừa chủ trì cuộc họp về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo đầu kỳ) 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) trên địa bàn TP.HCM.

Tăng năng lực thông hành, giảm kẹt xe

Sau khi nghe các đơn vị tư vấn báo cáo về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án BOT và ý kiến các đơn vị tham dự họp, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm đề nghị các đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án BOT.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo đầu kỳ) 5 dự án BOT
Sở GTVT TP.HCM vừa chủ trì cuộc họp Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo đầu kỳ) 5 dự án BOT. Ảnh: ĐÀO TRANG

Từ đó, đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, luật xây dựng và đề cương nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Sở GTVT phê duyệt.

5 dự án BOT được triển khai theo Nghị quyết 98 gồm: Mở rộng Quốc lộ 13, mở rộng Quốc lộ 1, mở rộng Quốc lộ 22, cầu đường Bình Tiên, trục Bắc - Nam (đoạn Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành).

Lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng mục tiêu của 5 dự án BOT là cải thiện khả năng thông hành và mức phục vụ của tuyến đường hiện hữu, giải quyết tình trạng quá tải, kẹt xe đáp ứng nhu cầu lưu thông nhanh chóng của các phương tiện giao thông.

Do đó, đề nghị các đơn vị tư vấn lưu ý công tác dự báo lưu lượng giao thông cho tương lai phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan, phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Trong đó, dự báo lưu lượng giao thông được xác định trên cơ sở số liệu khảo sát giao thông, dự báo về thu hút và phát sinh hành trình giao thông theo quy hoạch phát triển hạ tầng khu vực; quy hoạch sử dụng đất có liên quan để đảm bảo không ùn tắc giao thông trong giai đoạn thu phí.

Cần tính toán đi trên cao hay đi bằng

Sở GTVT TP cũng yêu cầu phương án thiết kế tuyến đường của 5 dự án BOT cần tính toán đi trên cao hay đi bằng.

Các nút giao, vận tốc thiết kế trên tuyến phải được tính toán, phân tích, đánh giá và so sánh để đề xuất phương án phù hợp với thực tế giao thông đô thị, đảm bảo yêu cầu thông số kỹ thuật theo quy định.

binh-tien.jpeg
Đồ hoạ cầu đường Bình Tiên. Ảnh: HỒ TRANG
cầu đường Bình Tiên được làm theo dạng hợp đồng BOT
Khu vực dự án cầu đường Bình Tiên đi qua. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Đồng thời, 5 dự án BOT đảm bảo tính kinh tế kỹ thuật, phát huy hiệu quả của dự án, bảo vệ môi trường. Trong trường hợp đề xuất tuyến đường đi trên cao phải có giải pháp chống ồn khi đi qua khu vực dân cư.

Các đơn vị cần lập mô hình thông tin hiện trạng khu vực dự án (mô hình BIM 3D, 2D….) Trong đó, thể hiện đầy đủ các thông tin, thông số hiện trạng về địa hình, địa chất công trình, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; quản lý, tổ chức giao thông…; Lập mô hình thông tin về phương án thiết kế sơ bộ. Đồng thời, các đơn vị cần lập mô phỏng giao thông cho phương án thiết kế đề xuất.

Các đơn vị cần phân tích, đánh giá, so sánh để lựa chọn giải pháp thu phí (đóng hay mở), kịch bản thu phí (miễn, giảm thu phí…) đối với cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân thuộc phạm vi dự án phù hợp với thực tế khai thác tuyến đường. Từ đó, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo tính khả thi của dự án BOT.

Song song đó, các đơn vị cần phối hợp với địa phương rà soát phạm vi ranh dự án, trường hợp có những đoạn tuyến, nút giao nằm ngoài ranh lộ giới quy hoạch phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đơn vị tư vấn khẩn trương báo cáo Sở GTVT TP để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ các Đồ án quy hoạch liên quan.

Dự kiến phê duyệt chủ trương trong quý IV-2024

Phòng Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị tư vấn rà soát nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án BOT, tham mưu cho lãnh đạo Sở GTVT văn bản đề nghị các địa phương hỗ trợ. Trong đó xác định rõ các nội dung cần địa phương hỗ trợ, chuẩn bị tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Mặt trận Tổ quốc và người dân về dự án BOT đi qua - dự kiến trong tháng 10-2024.

Bên cạnh đó, phòng Kế hoạch và Đầu tư cần lập tiến độ chi tiết thực hiện dự án để theo dõi, đôn đốc, đảm bảo trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong quý IV-2024. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở của các dự án BOT để quyết định chủ trương lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm