6 người đứng tên hồ sơ giả để nhân viên tín dụng chiếm đoạt 12,8 tỉ đồng

(PLO)- Tòa đề nghị điều tra làm rõ vai trò của sáu cá nhân được Trung nhờ đứng tên trong hồ sơ vay ngân hàng giả, trực tiếp vay tiền rồi đưa cho Trung và nhận thù lao. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND tỉnh Khánh Hòa vừa đưa ra xét xử vụ án bị cáo Nguyễn Phước Trung (32 tuổi, ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị truy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra, làm rõ vai trò của sáu cá nhân được Trung nhờ đứng tên trong các hồ sơ vay ngân hàng giả, trực tiếp vay tiền rồi đưa cho Trung và được Trung trả thù lao. Những cá nhân này có dấu hiệu đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, làm rõ số tiền bị cáo Trung đã chuyển cho người khác. Trong quá trình điều tra bổ sung, nếu phát sinh tình tiết mới cần điều tra làm rõ để đảm bảo giải quyết triệt để vụ án.

Nhân viên tín dụng lập hồ sơ giả chiếm đoạt 12,8 tỉ đồng

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Khánh Hòa, Trung là nhân viên tín dụng một ngân hàng ở TP Nha Trang. Trong quá trình làm việc, Trung có quen biết vợ chồng Phạm Thị Kim Thoa và Nguyễn Bên (ngụ ở xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang).

nhân viên tín dụng.jpg
HĐXX đã trả hồ sơ để làm rõ vai trò của 6 người đứng tên trong các hồ sơ giả. Ảnh: H.H

Khoảng tháng 8-2021, Trung mượn tiền của nhiều người để đầu tư tiền ảo và bị thua lỗ số tiền lớn. Nhân viên ngân hàng này nảy sinh ý định lập hồ sơ tín dụng giả vay tiền ngân hàng. Sau đó, làm thủ tục tất toán khoản vay cũ để chiếm đoạt tiền của những người làm nghề đáo hạn vay.

Trung đã nói với Thoa có một số khách hàng đến kỳ đáo hạn nhưng không có tiền và họ cũng không muốn đứng tên vay. Trung nhờ Thoa đứng tên hồ sơ giả và được Thoa đồng ý.

Sau đó, Trung tải sổ đỏ một căn nhà trên mạng về rồi chỉnh sửa thành chủ sở hữu là vợ chồng Thoa, Bên. Trung cũng làm hợp đồng tín dụng giả, thế chấp căn nhà này với số tiền 5 tỉ đồng.

Sau đó, Trung liên hệ với bà L.T.M. nói với bị hại này có khách có nhu cầu cho vay đáo hạn. Bà M. đồng ý cho vay 4,5 tỉ đồng để đáo hạn. Trung đã đưa vợ chồng Thoa, Bền đến nhà bà M. để ký vay tiền.

Bà M. hỏi Thoa thông tin liên quan đến khoản vay thì Thoa xác nhận là chủ sở hữu nhà. Bà M. đối chiếu giấy tờ tùy thân của Thoa và Bên đúng với thông tin trên hồ sơ vay tiền nên tin tưởng cho vợ chồng này vay số tiền trên.

Sau đó, Thoa đã chuyển tiền cho Trung và được Trung bồi dưỡng 5 triệu đồng. Số tiền còn lại Trung chuyển trả cho hai chủ nợ.

Làm rõ vai trò của sáu cá nhân đứng tên trong hồ sơ giả

Cơ quan điều tra xác định với thủ đoạn trên, Trung đã chiếm đoạt của bốn bị hại với tổng số tiền 12,8 tỉ đồng. Đến cuối tháng 3-2022, Trung không còn khả năng chi trả các khoản nợ nên đến Công an tự thú.

Đến tháng 8-2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố Trung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa đã trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT điều tra bổ sung làm rõ hành vi của Nguyễn Thị Trà Như, Đoàn Minh Quang, Nguyễn Ngọc Theo, Nguyễn Thị Thu Hoài, Phạm Thị Kim Thoa và Nguyễn Bên là những người được Trung nhờ đứng tên hồ sơ vay giả.

Những người này đã trực tiếp vay tiền rồi đưa cho Trung và được trả thù lao. VKS cho rằng cần làm rõ hành vi, vai trò của những người trên nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, làm rõ việc Trung sử dụng tiền chiếm đoạt của các bị hại để xử lý theo quy định.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT cho rằng Trung đã nói dối là khách hàng vay tiền của ngân hàng đến thời kỳ đáo hạn nhưng ở xa chưa về kịp.

Đồng thời, không muốn đứng tên vay nợ nên Trung nhờ sáu cá nhân trên đứng ra vay hộ, khách hàng sẽ trả tiền công. Sáu cá nhân trên đã tin tưởng Trung nên đồng ý.

Cơ quan CSĐT kết luận hành vi của những người này tuy đã đứng tên hồ sơ giả nhưng không biết mục đích phạm tội của Trung, không hưởng lợi từ số tiền Trung chiếm đoạt nên không có căn cứ xác định là đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó, Cơ quan CSĐT cho rằng số tiền 12,8 tỉ đồng Trung chiếm đoạt đã bị sử dụng vào đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên, hai website Trung đầu tư tiền hiện không thể đăng nhập được. Đồng thời, ngân hàng không xác định được tài khoản Trung chuyển tiền vào nên không có cơ sở xác minh và thu hồi.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, HĐXX xét thấy sáu cá nhân liên quan đều biết được hồ sơ vay ngân hàng do bị cáo Trung đưa là hồ sơ giả.

Dù vậy, những người này vẫn đồng ý đứng tên trong hồ sơ giả, cùng bị cáo đến trực tiếp nhà các bị hại để bị hại tin tưởng. Đồng thời, sáu cá nhân này cũng trực tiếp nhận tiền vay rồi đưa lại cho Trung để nhận thù lao.

Bên cạnh đó, số tiền 4,5 tỉ đồng bị cáo Trung chiếm đoạt của bà M. đã đem trả cho những người có nghĩa vụ liên quan là bà NTNM (4,4 tỉ đồng) và ông TCP (100 triệu đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm