9 dự án quan trọng phía Nam được làm trong 2021

2021-2025 là giai đoạn quan trọng để ngành giao thông tập trung thực hiện các kế hoạch đầu tư trung hạn. Riêng khu vực phía Nam, năm 2021 Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư nhiều “siêu” dự án mang tính chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong các dự án trọng điểm phía Nam sẽ được đưa vào khai thác trong đầu năm 2021. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đường bộ, thủy, hàng không đều được đầu tư

. Phóng viên: Thưa bộ trưởng, năm 2021 Bộ GTVT sẽ triển khai những dự án nào ở TP.HCM và khu vực phía Nam?

+ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2021 là năm khởi đầu cho kế hoạch trung hạn 2021-2025. Tuy nhiên, do kế hoạch trung hạn chưa được Quốc hội thông qua nên chúng tôi chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách thuộc đối tượng chuyển tiếp. Trong đó có chín công trình thuộc khu vực TP.HCM và phía Nam.

Cụ thể, hai dự án liên quan đến hàng không gồm Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (đã khởi công ngày 5-1 đối với dự án thành phần 3) và nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Năm dự án đường bộ gồm: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 (đã khởi công ngày 4-1); dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn Nhơn Trạch, thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM; tuyến nối quốc lộ (QL) 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; QL1A đoạn từ Hậu Giang đến Sóc Trăng; tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau.

Hai dự án hàng hải - đường thủy gồm: Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) và kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

Đối với các danh mục dự án thuộc kế hoạch trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, cân đối nguồn lực để bố trí (trong khu vực có 24 dự án). Trong đó một số dự án ưu tiên có thể kể đến là: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một số đoạn trên vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép...

. Xin bộ trưởng cho biết lý do những dự án trên được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2021, Bộ GTVT sẽ hoàn thành những dự án nào?

+ Các dự án này được đầu tư dựa trên cơ sở các quy hoạch phát triển GTVT đã được phê duyệt. Việc đánh giá sự cần thiết, hiệu quả đầu tư được Bộ GTVT cân nhắc, so sánh, có nguyên tắc và có tính toán.

Trong đó, việc ưu tiên đầu tư trên nguyên tắc lựa chọn các công trình đột phá mang tính động lực cho cả vùng. Căn cứ nguồn lực được phân bổ, ngành giao thông sẽ lựa chọn khả năng phân bổ nguồn lực theo tầm quan trọng, nhu cầu vận tải, tính lan tỏa.

Việc tính toán phải thực hiện dựa trên các cơ sở: Phát triển khu vực phía Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Từ đó, đưa phía Nam trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước; mang đặc thù của khu vực nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng…

Việc phát triển giao thông vận tải đường bộ phải hợp lý, đồng bộ và bền vững trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác. Việc phát triển giao thông cũng cần dựa trên sự liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả.

Tiếp theo là phải đa dạng hóa các phương thức vận tải ở phía Nam, đặc biệt phát triển hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không…, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa...

Các dự án phía Nam hầu hết là các dự án trọng điểm lớn, có thời gian thực hiện kéo dài, do đó khi triển khai trong năm 2021 thì không thể hoàn thành trong năm 2021. Phần lớn các dự án dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2021 đều là các dự án được triển khai trong giai đoạn trước (giai đoạn 2016-2021).

Năm 2021, Bộ GTVT dự kiến đưa vào khai thác bảy dự án thuộc khu vực phía Nam, với các dự án lớn có thể kể đến như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và năm dự án thuộc danh mục các dự án cấp bách vốn 15.000 tỉ đồng (QL30 Cao Lãnh - Hồng Ngự; QL57 Đình Khao - Mỏ Cày; QL53 Trà Vinh - Long Toàn; Quản Lộ - Phụng Hiệp; bốn cây cầu trên QL1 qua Tiền Giang).

Đánh thức vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

. Những dự án này có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế và liên kết vùng?

+ Những dự án trên sẽ tạo ra đột phá, thực sự là động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng cũng như của quốc gia. Kinh tế vùng sẽ được thúc đẩy phát triển thông qua việc cải thiện kết nối trung tâm kinh tế chính trong nội bộ khu vực và giữa khu vực với các khu vực kinh tế khác trong cả nước cũng như trên toàn thế giới.

Tôi tin rằng việc thực hiện thành công kế hoạch giai đoạn 2021-2025, trong đó có các dự án nêu trên và dự kiến đến giai đoạn 2025-2030, thì trong 10 năm tới kết cấu hạ tầng giao thông khu vực phía Nam có một thay đổi rõ rệt về chất. Từ đó, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trở thành động lực phát triển, đánh thức cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL.

. Năm 2021-2025 có những khó khăn và thách thức gì đối với ngành giao thông? Bộ GTVT có kiến nghị như thế nào nhằm khắc phục những khó khăn trên?

+ Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng, cải thiện được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thay đổi về chất của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thách thức lớn nhất là nguồn lực tài chính để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Đặc thù của ngành GTVT là huy động vốn tư nhân khó do thời gian hoàn vốn dài, nhiều rủi ro. Kinh nghiệm trên thế giới là đầu tư công chi phối, trong khi nguồn lực đầu tư công của chúng ta đang có hạn. Nếu việc phân bổ nguồn lực đầu tư công không đột phá thì sẽ dẫn đến hệ thống kết cấu hạ tầng khó có thể thành công trong việc giải quyết điểm nghẽn hạ tầng như dự thảo văn kiện của Ban chấp hành Trung ương trình Đại hội 13 của Đảng.

Do vậy, chúng tôi tha thiết mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét đánh giá đúng vai trò của kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu thực sự xác định là điểm nghẽn cần phải có đột phá thì chúng ta cần phải phân bổ nguồn lực cho kết cấu hạ tầng một cách đột phá để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

. Xin cám ơn bộ trưởng.

Hơn 128 ngàn tỉ đồng làm chín dự án năm 2021

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỉ đồng; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh chính phủ với tổng mức đầu tư khoảng 109.111 tỉ đồng; dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư khoảng 5.530 tỉ đồng.

Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sử dụng nguồn vốn của ACV với mức đầu tư gần 11.000 tỉ đồng; dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên sử dụng nguồn vốn ODA với mức đầu tư khoảng 2.106 tỉ đồng; dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 1.725 tỉ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy - Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 1.681 tỉ đồng;

Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 2.226 tỉ đồng; kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 1.335 tỉ đồng.

Như vậy, tổng mức đầu tư của cả chín dự án trên là khoảng 128.540 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm