Nguồn sống bị đe dọa
Mỗi buổi chiều, ông Tào Thiếu Đường, một nông dân 64 tuổi sống ở thôn Cảnh Loan, quận Tân Châu, thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc lại ra ngồi bên ao nước trong thôn với nỗi lo lắng hằn sâu trên mặt. Đây là ao trữ nước dùng tập thể, từng nuôi sống cả gia đình ông và người dân trong thôn, tuy hơn 20 năm qua đã bị thu hẹp đáng kể song vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho bao nhiêu con người. Nay gặp trận hạn hán này, nước trong ao nhanh chóng cạn khô, đẩy ông và tất cả dân thôn vào cơn khốn cùng.
Bắt đầu xây dựng vào năm 1994, đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới với độ cao 185m, dài 2.309m, công suất phát điện 84,7 tỷ kW (năm 2010 đạt 84 tỷ kW). Trong quá trình xây dựng đập, 143 thị trấn thuộc 13 thành phố đã bị nhấn chìm, 1,43 triệu dân phải di cư và hiện sống trong tình cảnh bấp bênh ở nơi tái định cư.
Tình cảnh của ông Tào và người dân thôn Cảnh Loan chỉ phản ánh một góc nhỏ trong cơn “bĩ cực” của gần 5 triệu người dân sống bằng nghề nông ở trung, hạ lưu sông Trường Giang (Dương Tử). Từ tháng 3 -2011 đến nay, cả vùng gặp phải trận hạn hán khủng khiếp nhất trong vòng 50 năm qua.
Tại tất cả các hồ chứa nước với dung lượng 10 tỷ m3 ở tỉnh Hồ Bắc, nay chỉ còn 6 tỷ m3 có thể dùng được, trong khi 4 hồ loại vừa, 1.460 hồ cỡ nhỏ đã ở mực nước chết. 3/4 diện tích hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc giờ đã thành... đường bộ vì khô hạn. Tại thành phố Trùng Khánh, đất canh tác nứt nẻ trên diện rộng, thậm chí còn thiếu nước uống cho hàng vạn người. Dầu vậy, theo dự báo, tình trạng hạn hán sẽ càng khốc liệt hơn trong tháng 6, khi nhu cầu về nước tưới tiêu và sinh hoạt tăng cao.
Hạn hán, cùng với những tai họa khác như lở đất, địa chấn, lũ lụt... xảy ra xung quanh khu vực đập Tam Hiệp mấy năm qua khiến người ta buộc phải nghĩ đến con đập thủy điện lớn nhất thế giới này. Sau cuộc họp với Quốc vụ viện ngày 18-5, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đưa ra tuyên bố về công trình đập Tam Hiệp.
Tuyên bố khẳng định, công trình “còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết về các mặt như tái định cư cho di dân, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng ngừa tác hại về địa chất..., đồng thời cũng gây ra ảnh hưởng nhất định đối với việc vận tải, tưới tiêu, cung cấp nước... ở hạ lưu Trường Giang”. Cũng theo tuyên bố này, từ thiết kế đến việc xây dựng công trình đều xuất hiện những vấn đề khác nhau ở mỗi giai đoạn khác nhau, tuy nhiên không thể giải quyết ngay, vì vậy sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo tai họa.
Hiểm họa rõ ràng
Việc Quốc vụ viện Trung Quốc thừa nhận trong tuyên bố rằng đập Tam Hiệp gây ra nhiều vấn đề lập tức khiến dư luận trong ngoài nước này quan tâm sâu sắc. Dù đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc thừa nhận việc đó, tuy nhiên vì nó được phát ra trong cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, nên chứng tỏ “vấn đề” đó đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, dù rằng cách nói vẫn chưa thực sự thẳng thắn.
Một lần nữa, những hiểm họa phát sinh từ đập Tam Hiệp lại được xới lên. Theo ông Phạm Hiểu, chuyên gia địa chất ở Tứ Xuyên, hàng năm khi mực nước trong hồ chứa dâng, gây ra rất nhiều trận động đất nhỏ, tuy cường độ chỉ lên đến 4 độ richter, nhưng đã gây ra những tác hại nhất định đối với đời sống của người dân.
Từ đó phân tích, sẽ thấy nguy cơ động đất mạnh là hiện hữu. Thêm vào đó, công trình đập Tam Hiệp trước khi khởi công đã thiếu những thiết kế trong trường hợp có biến cố nghiêm trọng về địa chất, cộng với việc thi công không đảm bảo, tác hại sẽ khôn lường. Những vụ lở đất dọc sông gây ra sóng thần cao tới 50m từ năm 2007 đến nay, gần nhất là vụ lở đất xảy ra tháng 7-2010 làm 30 người thiệt mạng là minh chứng rõ nhất cho nguy cơ đó.
Bên cạnh đó là những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ông Mã Quân Tắc, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu môi trường và công chúng Trung Quốc phân tích, việc xây đập Tam Hiệp đã làm sông Trường Giang mất khả năng phân tán chất gây ô nhiễm trong nước, làm nhiều vùng nước biến chất, bốc mùi hôi thối, không thể sử dụng.
Hàng chục nghìn tấn rác đổ về mỗi năm hình thành nên những đống rác thải khổng lồ trên mặt nước sông, thậm chí ken dày đến mức có thể đi lại được. Ngoài loài cá heo nước ngọt vốn nổi tiếng ở sông Trường Giang hiện đang trên đà tuyệt chủng, các loài sinh vật cũng đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, như cá tầm hay loài sếu Siberia.
Tuyên bố của Quốc vụ viện cũng được coi là sẽ góp phần ngăn chặn trào lưu xây dựng nhà máy thủy điện ở Trung Quốc, vốn được coi là việc “tiếp tay” cho việc bần cùng hóa người nông dân.
Bảo Trâm tổng hợp (ANTĐ)