Nếu tưởng chưa nghe xong đã quên là chuyện ngẫu nhiên, may rủi, trời kêu ai nấy dạ thì hố cả cây số! Càng sai hơn nữa nếu tưởng sa sút trí tuệ là do bộ nhớ bất ngờ bị “delete”. Nhiều mô hình nghiên cứu ở các nhà dưỡng lão bên Đức, bên Áo... cho thấy thậm chí đến tuổi 80 các cụ vẫn còn khả năng học tập và sáng tạo nếu như tập luyện bộ não hằng ngày.
Thiếu ăn khó làm!
Làm ăn là tiếng kép nhưng với não bộ phải đảo ngược trình tự: Có ăn mới chịu làm. Với bộ não suy dinh dưỡng mà đòi tư duy cáu cạnh chẳng khác nào thiếu cân mà đòi cử tạ tranh huy chương vàng. Nhưng cho dù đủ dưỡng chất vẫn còn thiếu nếu muốn đảm bảo chất lượng của chức năng tư duy. Bằng chứng là nhiều người ngày nào cũng dùng thuốc đa sinh tố - đa khoáng tố, thực phẩm tăng lực… nhưng bộ não vẫn mệt cầm canh, vẫn mau quên, khó tập trung, dễ đau đầu khi cần suy luận và nhất là mất ngủ mỗi tháng không dưới 10 ngày.
Chức năng tư duy từa tựa như món ăn ngon. Đủ cao lương mỹ vị, món ăn cũng chỉ để làm cảnh nếu thiếu gia vị pha trộn đúng điệu. Rõ ràng là “dưỡng chất” cho não khó lòng được nâng cấp thành “hoạt chất” cho hệ thần kinh nếu dẫn truyền thần kinh lạc đường tín hiệu, nếu tế bào thần kinh rối loạn biến dưỡng. Đó chính là động cơ tại sao thầy thuốc ở các nước châu Âu, nơi chắc chắn không thiếu thuốc hóa chất tổng hợp, đang đồng lòng trở về với dược liệu thiên nhiên khi điều trị suy nhược thần kinh ở người còn trẻ, bề ngoài coi rất khỏe nhưng “trong héo ngoài tươi”.
Người thức thời là người kịp thời “trẻ trung hóa” bộ não bằng cách dưỡng não khi não còn thơ qua biện pháp thư giãn, thể dục thể thao…
Làm sao xài hoài lâu mòn?
Mọi hình thức tư duy, từ phán đoán cho đến suy luận, khó lòng đạt được hiệu quả như mong muốn nếu dẫn truyền thần kinh đi không đến nơi, về không đến chốn. Muốn được vậy, đường dẫn truyền cũng từa tựa như dây điện, đừng mát dây hay chập điện đâu đó. Nói cách khác, dây thần kinh cần có cấu trúc nguyên vẹn. Hơn thế nữa, các giao điểm phải được bảo vệ để tránh đứt cầu chì do cuộc sống xì-trết quá đi thôi. Không đảm bảo được điều kiện vừa kể thì bẩm sinh có thông minh bao nhiêu cũng sớm muộn rơi vào cảnh không nhớ nổi hai lần hai là mấy!
Chuyện tuy không của riêng ai nhưng không ai giống ai. Rối loạn dẫn truyền thần kinh càng nhanh chân hơn nữa ở nhóm đối tượng:
Phải thường xuyên đồng hành cùng stress vì nội tiết tố sản sinh trong tình huống căng thẳng là nguyên nhân bào mòn cấu trúc của tế bào thần kinh.
Đã ăn sinh nhật thứ 50 vì dao động nội tiết tố giới tính trong thời kỳ tiền mãn kinh ở phụ nữ, trong giai đoạn mãn dục nam ở nam giới là đòn bẩy khiến dẫn truyền thần kinh chạy lạc đường trong lúc tìm lối thoát kẹt xe.
Chính vì thế mà người thức thời là người kịp thời “trẻ trung hóa” bộ não bằng cách dưỡng não khi não còn thơ, bằng cách một mặt trung hòa mũi công kích của stress qua biện pháp thư giãn, thể dục thể thao… và mặt khác, tiếp hơi cho não bằng hoạt chất sinh học để tối ưu hóa dẫn truyền thần kinh.
Não không vô cớ làm ngơ
Nói một cách tượng hình, não bộ vận hành như bộ máy vi tính chằng chịt mạch điện với hàng tỉ tế bào thần kinh. Mỗi tế bào não không hoạt động đơn phương mà kết nối chặt chẽ với các tế bào xung quanh để tạo thành một mạng lưới trao đổi thông tin với hơn cả chục điểm giao tiếp rải đều khắp não bộ. Mọi hoạt động của não bộ, từ chuyện cần phản ứng nhanh để phán đoán cấp thời bước qua suy nghĩ thong thả như lúc thả hồn bay bổng theo giấc mơ, chỉ có thể thuận buồm xuôi gió khi kích ứng thần kinh vượt qua điểm giao tiếp một cách nhẹ nhàng để tín hiệu sau đó được “biên tập” qua nhiều vùng khác nhau của não bộ trước khi trở thành phản xạ hữu ích cho gia chủ.
Nếu vì lý do nào đó mà tín hiệu hoặc giẫm chân tại chỗ vì kẹt ụ, hoặc rẽ vào ngõ hẻm rồi lạc đường, hay tệ hơn nữa, chạy ngược chiều bất chấp mục tiêu tư duy của gia chủ thì khi đó cơ thể sớm muộn cũng phản ứng sai lệch đâu đó trên trục thần kinh - nội tiết - biến dưỡng khiến nhiều bệnh chứng nghiêm trọng có cơ hội phát tán một cách oan uổng. Tất cả chỉ vì trống phía trên muốn đánh xuôi nhưng kèn dàn dưới hò nhau thổi ngược!
Giải pháp là làm sao để kích ứng thần kinh đừng bị xóa quá nhanh, đừng bị bôi quá dễ. Mục tiêu đó không hẳn là “điệp vụ bất khả thi” nếu người phải đồng hành cùng stress đừng quên hai nguyên tắc quan trọng, đó là:
Đừng để tế bào thần kinh đói dưỡng khí rồi “bần cùng sinh đạo tặc”.
Đừng để dẫn truyền thần kinh vì rối loạn chất điện giải nên khập khễnh trong lúc vận hành.