Diễm, trưởng nhóm khởi nghiệp mang tên “Giun quế” của ĐH Đà Nẵng, nhắn tin: “Tuần sau em cũng sang Ireland ở một tháng trong vườn ươm doanh nghiệp của Học viện CIT...”. Kèm theo đó là khá nhiều thắc mắc của cô quán quân cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên mang tên Startup Runway. Trong đó, ẩn sau trong nhiều nỗi lo lắng là sự hoài nghi: Vì sao Ireland thu hút được các công ty công nghệ lớn của thế giới đến “đóng đô”?
Công thức “bánh mì kẹp thịt” Ireland và Hà Lan
Cứ gõ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào cụm từ “Ireland và thuế” sẽ ra một số lượng khổng lồ các tranh luận, báo cáo nghiên cứu, tổ chức chống đối… Trong đó, nổi bật và kinh điển nhất là công thức “bánh mì kẹp thịt” Ireland và Hà Lan. Nói nôm na, đó là phương thức mà nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm bớt số thuế phải đóng nếu mở hai công ty ở Ireland, một công ty ở Hà Lan. Cái bánh mì kẹp gồm hai công ty Ireland và lát “thịt Hà Lan” ở giữa với hàng loạt hiệp ước chống đánh thuế hai lần, nguyên tắc không đánh thuế các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài… và hàng loạt biện pháp nghiệp vụ phức tạp vô ngần mà chỉ có những tay chơi kiệt xuất ngành tài chính và pháp lý mới thực hiện nổi. Họ bán bản quyền sở hữu trí tuệ, thu phí sử dụng các sản phẩm, chia cổ phần rồi chuyển tiền lòng vòng chóng mặt muốn xỉu luôn.
Nhưng nói lòng vòng gì thì nói, thuế ở Ireland đúng là… thấp. Đóng đầy đủ thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng dừng ở mức 12,5% - chưa bằng một nửa nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã la làng về việc này, cho rằng như vậy là… cạnh tranh không lành mạnh khi thu hút đầu tư nước ngoài quá tốt!
Người Ireland không mấy quan tâm đến chuyện này. Vì họ biết một thực tế khác: Những doanh nghiệp hàng đầu thế giới này chọn Ireland để đặt trụ sở và tạo ra vô vàn những việc làm tốt nhất thế giới. “Nếu họ chỉ vì mớ tiền thuế thì chẳng cần mở công ty to đến vậy. Hãy xem số lượng nhân viên của Google, Facebook hay Apple đang làm việc ở Ireland rồi hãy kết luận rằng họ cần gì ở đất nước chúng tôi” - Brendan, một sinh viên kinh tế vô tình gặp ở quán bia, nói hết sức thoải mái. Tối đó, anh cẩn thận gửi đường dẫn các bài báo quốc tế minh chứng cho quan điểm của mình. “Với lại toàn ông to bà lớn hết mà, cả thế giới canh chừng mỗi chuyển động của họ, đâu phải muốn né thuế là né đâu…” - anh nói với theo…
Mở email thấy Brendan cẩn thận ghi rõ tóm tắt nội dung các bài báo của Reuters, Washington Post hay AFP… để nói về chuyện các đại gia nhà giàu đều chạy qua Ireland “đòi người”. “Xứ Ailen chịu khó sản xuất em bé nhất trên toàn châu Âu nên tụi tao trẻ và giỏi, và làm được việc lắm!”. Anh chàng ký tên: “Người quen ở quán bia”.
Một góc của “Học viện Google” - một trong những tòa nhà đẹp nhất Dublin - Ireland. Ảnh: Tr.N
Văn hóa nhậu và nhậu… văn hóa
Nếu như đọc email của Brendan để hiểu về cách người Ireland đáp trả với những trêu chọc về thuế má thì câu chào “từ quán bia” làm giật mình khi nhớ lại tất cả dặn dò trước khi đến xứ sở này: Chưa đến quán bia kiểu Ái Nhĩ Lan thì là chưa đến xứ này. Ái chà chà, mấy hôm trước vội vàng quá, chỉ kịp thấy bia ngon, trời lạnh và mặt trời 10 giờ đêm vẫn sáng trưng, cần phải “chỉnh đốn” lại.
Và ngay lập tức chúng tôi bị... không cho vào quán bia vì hai lỗi: Không mặc quần dài và không mang giày. Cũng may khách sạn ở gần, có thể quay lại “chỉnh đốn”. Xong cũng hơi lo, không biết quán bia lừng danh với thương hiệu quốc gia Irish pub còn có thêm quy định kỳ quặc nào khác nữa không. Và Google mách nước: Quán bia được xem là một ngôi nhà mở của mọi người gặp gỡ nhau sau giờ làm việc. Qua nhiều năm, người Ái Nhĩ Lan tin rằng nếu không đến quán bia sẽ không nắm bắt được các mối quan hệ, tạo dựng các nền tảng học thức cao cũng như gắn kết với cộng đồng. Bởi lẽ đó, mỗi một Irish pub được đầu tư rất cẩn thận: Đa phần là làm bằng gỗ, ghế thì phải bọc da thật với những cái đinh tán thật to. Tường và trần nhà đều treo tranh cổ hoặc các bức vẽ vui nhộn. Ngôn ngữ cổ của Ireland gọi rượu whisky là “nước của sự sống” nhưng hầu như bây giờ vào quán bia đều là uống đủ loại bia tươi...
“Quán bia cuối phố chừng nào đóng cửa? - Có lẽ cuối tháng 9” - đó là một trong những câu trò chuyện hài hước để nói về khả năng mở cửa đến vô tận của các quán bia xứ này. Một ông già có thể vào quán, kêu một ly bia nhỏ và đọc hết tờ báo. Một giáo sư đại học mặc nguyên bộ vest trang trọng, ngồi khuất sau cầu thang để đọc sách. Một nhóm bạn thì vắt vẻo trên lan can tán dóc. Nhạc không quá lớn, người không quá ồn và ai cũng có đủ không gian riêng cho mình. Thỉnh thoảng ban nhạc đến hát, luôn bắt đầu bằng tiếng kèn buồn man mác như đoạn mở đầu bài nhạc của phim Titanic - chuyến tàu bi thương mà người Ireland đã tạo ra.
Một buổi chiều ở Học viện CIT, TP Cork, bắt gặp một tờ rơi thông báo buổi sinh hoạt về toán học hiện đại chuẩn bị diễn ra ở quán bia cổ nhất Ireland, thấy... mê liền. Truyền thuyết kể rằng đây là quán bia đã hơn 900 tuổi và được sách kỷ lục Guinness công nhận là cổ nhất thế giới. Nhưng mà anh bạn người Anh đi cùng thì nói nhỏ: Đừng tin, cái cuốn sách kỷ lục thế giới này cũng do ông chủ hiệu bia Guinness của Ireland tạo ra mà...
Hệ sinh thái nhà giàu Khái niệm được nhắc đến nhiều nhất hiện nay trên thế giới đang là “hệ sinh thái”. Hãy đào một cái ao, mưa xuống sẽ đầy nước. Rồi cá sẽ tự dưng ở đâu xuất hiện, kéo theo các loài rong, tảo và cua, ốc cũng tuần tự đến điểm danh. Con này tựa vào con kia mà sống, cây này nhờ có cây kia mà nên, tạo thành một vòng tròn khép kín. Và Ireland, một cách nào đó đã thành công trong việc “đào cái ao” để những công ty giàu nhất thế giới đến, trụ lại. Mọi thứ còn lại sẽ tự tìm đến… Năm 2009, Facebook chọn Ireland làm đại bản doanh quốc tế của mình. Bắt đầu bằng một văn phòng nhỏ ở thủ đô Dublin và 30 nhân viên, đến nay họ đã có 1.000 nhân viên. Quan trọng hơn, Facebook giống như một thỏi nam châm, “hút” một lượng lớn các công ty công nghệ cao xúm lại, hình thành nên cộng đồng công nghệ Dublin. Google vừa chi thêm 150 triệu euro (gần 4.000 tỉ đồng tiền Việt) cho việc xây dựng trung tâm dữ liệu mới ở Ireland. Hiện nay tập đoàn thông tin lớn nhất thế giới này đang sử dụng 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 3.000 lao động gián tiếp cho mớ tài sản đã đầu tư trị giá 750 triệu euro của họ ở Ireland. Còn Apple vẫn đang giữ kỷ lục về số nhân sự khi đang có 4.000 người thì tổng giám đốc toàn cầu chạy sang TP Cork thông báo tuyển thêm 1.000 lao động nữa cho chiến lược phát triển dài hạn tại Ireland. |
__________________
Đón đọc Chủ nhật tuần sau 7-8:
Những đứa con nuôi người Việt ở Ireland
Một trong những nỗi niềm của người lữ khách xa quê là… thèm nước mắm và ớt tươi. Nên dù ẩm thực Ireland khá “ngầu” vì nguồn nguyên vật liệu dồi dào, cuối cùng chúng tôi cũng phải tìm đến nhà hàng Việt Nam. Ở đó có câu chuyện lạ lùng về những đứa con nuôi người Việt của người Ireland…