Ireland, hay Ailen, hay Ái Nhĩ Lan đều là tên gọi chung của một đất nước kỳ bí phủ đầy màu xanh nên gọi là “emerald - ngọc lục bảo”. Họ có vỏn vẹn 4,5 triệu dân, tức là chưa bằng một nửa Sài Gòn.
Tiếng vó ngựa nửa đêm
Tôi nằm im trong một căn phòng nhỏ, nhỏ đến mức tưởng khó mà cựa người được của mô hình B&B - viết tắt của “bed and breakfast - giường ngủ và bữa sáng” - một mô hình kinh doanh đang rất phát đạt dành cho dân du lịch kết hợp công việc chỉ có nhu cầu một chỗ ngả lưng qua đêm, một nhà vệ sinh sạch, riêng tư và một bữa sáng đủ dinh dưỡng. Đó là con phố Stephen Green, một trong những con phố đắt tiền nhất ngay trung tâm của thủ đô Dublin.
Tôi cố gắng nhớ lại mình đã phải giải thích bao nhiêu lần với những người xung quanh về xứ sở mà mình đang hiện diện: “Ireland, đọc là Ai rờ len, không phải là Iceland - cái kia đọc là Ai xờ len. À, người xưa phiên âm là Ái Nhĩ Lan”. Đảo quốc phía tây của châu Âu gần kề nước Anh này vẫn còn là điều gì đó rất xa xôi với hầu hết người xung quanh, mà cũng kể cả chính tôi, nếu không phải một cơ duyên lạ lùng ném một đứa nông dân ở Hội An đến đây. Tất cả chỉ vì lời đồn: “Nền nông nghiệp organic sạch nhất thế giới. Từ đất sạch, cỏ sạch, bò sạch, người nuôi hạnh phúc và sản phẩm ngon nhất thế giới. Quan trọng hơn, triết lý nông nghiệp của Ireland là giá bán luôn cao gấp ba lần các sản phẩm khác trên thế giới”.
Tôi nằm im, mệt nhoài sau hai chuyến bay dài dằng dặc. Đang là giờ mùa hè nên Ireland đi sau Việt Nam sáu giờ đồng hồ. Phía nhà mình đã là bảy giờ sáng thì bên này đang còn trống điểm canh một. À, không có trống điểm canh, chỉ có tiếng vó ngựa chạy lọc cọc, lọc cọc trên đường pha thêm tiếng cười nói của nhóm thanh niên đi chơi khuya, không tan mất trong cái lạnh se se mà luẩn quẩn, thôi thúc bước ra phố để tìm xem vì sao một quốc gia có thu nhập đầu người hạng nhì thế giới lại vẫn có xe ngựa…
Thư viện của Trường ĐH Trinity, một điểm tham quan độc đáo và là nơi truyền cảm hứng đọc sách cho người dân Ireland: 300 năm tuổi với 200.000 cuốn sách cổ. Ảnh: T.NGUYÊN
Truyền thuyết những lá cờ
Phố đêm chỉ còn những cửa hàng ăn nhanh, những cửa hàng tiện lợi và các quán bar là mở cửa. Đang mùa bóng đá nên cờ Ireland được treo ở mọi nơi. Thấy tôi đứng nhìn lá cờ, một anh bạn to đùng như con gấu vui vẻ bắt chuyện: “Cờ Ireland đấy, các chàng trai màu xanh của chúng ta mới vừa thắng Ý để vào vòng 1/8 ở Euro Cup đấy. Cùng chúc mừng nào…”. Sau này, hỏi thăm một ông giáo sư đại học mới hiểu rằng một trong những điểm mạnh nhất của người Ireland là sự thân thiện và không bao giờ có tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài, dù là ở đâu đến. Bởi thế, khi cầm trên tay một ly bia đen truyền thống, cuộc trò chuyện trở nên rôm rả hơn hẳn. Anh kể: “Thấy lá cờ không: Màu xanh là dành cho cộng đồng người Ireland theo chủ nghĩa nông nghiệp xanh, bảo vệ hình ảnh hòn đảo màu “ngọc lục bảo” của mình. Màu cam là dành cho những người thân Anh quốc, thích những điều mới mẻ về công nghiệp. Hai bên hồi xưa căng với nhau lắm nhưng nhờ có nhóm người màu trắng dung hòa ở giữa nên mới hòa thuận với nhau trở lại, tạo thành lá cờ của Ireland”.
Vui chuyện, anh lại chỉ lá cờ bảy sắc cầu vồng đang treo ở quán bar đối diện: “Biết cây cờ đó không? Cờ của cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới LGBT đó. Ireland là nước theo Thiên Chúa giáo rất ngoan đạo, không ly hôn, không phá thai nên luôn có dân số trẻ nhất châu Âu. Vậy mà khi trưng cầu dân ý thì chúng tôi lại ủng hộ hôn nhân đồng giới đấy. Phe chủ trương ủng hộ còn có cả bà cựu tổng thống vì bà ấy có con đồng giới mà…”. Xong anh bạn xòe tay đếm từng món tài sản của xứ mình: Lao động trẻ, trường học xịn, nhiều công ty nước ngoài, nhà ai cũng có trang trại rộng, tự do kết hôn và bia thì rất ngon nên ai cũng hạnh phúc.
Hôm sau, vô tình đi ngang, chẳng thấy anh bạn vui tính này đâu nữa. 10 giờ đêm mà trời vẫn sáng trưng nên ngày có vẻ dài hơn, công việc có vẻ làm được nhiều hơn. Lối về khách sạn ngang qua công viên có bức tượng nhà văn nổi danh James Joyce đeo cái cà vạt của ĐH Trinity (đặt theo tên Ba ngôi Thiên Chúa). Đây là trường học nằm trong tốp tốt nhất của thế giới, trở thành niềm tự hào của người Ireland và mỗi đứa trẻ luôn được truyền cảm hứng bởi những hoạt động ngoại khóa của con nít trong không gian trường đại học này…
Xứ sở vô lo
Một trong những điều kỳ lạ nhất ở Ireland là có đến bốn mùa trong vòng mười phút: Trời có thể mưa bất cứ lúc nào nhưng rồi cũng có thể nắng ngay lập tức sau đó chỉ một phút, bất kể thời gian nào trong năm. Người ta lý giải rằng luồng khí nóng chạy từ vịnh Mexico xa xôi, vượt Đại Tây Dương đổ bộ vào châu Âu lục địa thì điểm đến đầu tiên là Ireland nên cứ mưa nắng thất thường như vậy. Bù lại cho việc này là tổng lượng mưa trong năm của Ireland nhiều hơn bất kỳ vùng đất nông nghiệp nào trên thế giới, lên đến hơn chín tháng trong năm. “Và những con bò của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ phải ăn cỏ khô vì lúc nào cũng có cỏ tươi để phục vụ chúng nó” - David, chàng trai bán thịt bò của Cơ quan xúc tiến thương mại Ireland, cho biết.
Thế nhưng bò không phải là nhóm duy nhất hưởng lợi từ việc mưa nắng thất thường này, nó cũng hình thành nên tâm tính của người Ireland: sự vô lo. Câu cửa miệng của mọi người là “kệ nó, lát nữa sẽ khác, không đoán trước được đâu”. Bởi vậy họ chẳng vui khi thấy nắng mà cũng chẳng buồn khi thấy mưa vì chỉ loáng một cái chớp mắt, mọi sự đều có thể thay đổi. Cứ vậy mà người dân xứ này ung dung tự tại trước mọi diễn biến của cuộc sống…
Tiến sĩ Harman Murtagh, nhà Ireland học, cười: “Tôi hơn 66 tuổi rồi nên được miễn toàn bộ phí giao thông công cộng. Và có lẽ chính quyền cũng đã bao cấp cho đời sống người Ireland hơi nhiều chút nên đến tối ra phố, bạn sẽ thấy họ nhậu dữ lắm…”. Quả vậy, đường phố ngã về sáng của Dublin luôn dập dìu tài tử giai nhân, các quán bar thì chật kín người nhưng chẳng có ai say xỉn vì mỗi người đến mua một ly bia và… ôm ấp ly bia cả buổi tối để làm vật trang trí cho một hoạt động xã hội mà thôi…
Con ngựa… chảnh nhất thế giới 350.000 euro tức là bao nhiêu tiền Việt? À, hơn 8 tỉ đồng. Đó là số tiền mà chủ của một con ngựa cái phải trả nếu muốn thực hiện việc lai giống với con ngựa số một Ireland mà cũng là số một thế giới: Chàng Galileo. Galileo là một trong những con ngựa hiếm hoi nhất có hẳn một trang tiểu sử trên Wikipedia. Ở đó, “vận động viên” đua ngựa đường dài cao 1,64 m này ghi dấu với hai lĩnh vực nổi bật: Sáu lần vô địch những giải đua ngựa danh giá nhất thế giới và nhiều lần “phối giống ăn tiền” với mức phí kỷ lục. Nhưng đúng là tiền nào của nấy, khi mà những đứa con được thừa hưởng bộ gen đua ngựa của Galileo cũng đã liên tục giành chức vô địch của các cuộc đua sau này khi bố của chúng… về hưu. Nhưng điểm chán nhất của chàng kỵ mã này là nó quá… bình thường về mặt hình dáng bên ngoài, nhìn chẳng khác các con ngựa cho phối giống “miễn phí” nào ngoài phố cả. |
________________
Đón đọc số Chủ nhật tuần sau 31-7:
Phải chăng Ái Nhĩ Lan là “hầm tránh thuế”?
Không phải là “thiên đường thuế” (tax heaven) nhưng hầu hết phản ứng của đám đông khi nghe Ireland là trụ sở của các công ty lớn đều phán ngay: “Hầm tránh thuế” (tax haven). Thực hư chuyện này ra sao?