Cố tạo ra tranh chấp…
. Ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ xuất phát từ đâu, thưa ông?
+ TQ muốn vươn ra biển Đông vì họ có tư tưởng bành trướng từ lâu nhưng muốn lấn lên phía Bắc thì gặp Nga, lên Tây Bắc thì gặp Ấn Độ… Vì vậy TQ chỉ còn đường tiến xuống Đông Nam và Nam, phía Nam gồm các vùng đất liền các nước ASEAN, vì vậy họ chỉ còn hướng tiến ra Đông Nam.
Để dọn đường, TQ đã nhiều lần đe dọa tàu thuyền các nước, trong đó nổi lên là sự kiện TQ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam năm 2012. Ngoài ra họ còn thỏa thuận với một số công ty nước ngoài khai thác dầu của ta ở khu vực Tư Chính (khu vực DK1) thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, các nước đã thấy Việt Nam kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng nhiều con đường ngoại giao và pháp lý, mặt khác các nước cũng nhận thức đây là việc làm phi pháp nên các công ty của họ đều hủy hợp đồng.
Tàu hải cảnh của TQ tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam ngày 13-5. (Ảnh do Cảnh sát biển VN cung cấp)
. Vậy luận điệu của TQ là gì, thưa ông?
+ Trên luận điệu mơ hồ về đường lưỡi bò, TQ thực hiện các thủ đoạn lấn dần, qua đó thăm dò về mặt ngoại giao và dư luận quốc tế. Quan điểm xuyên suốt của TQ là biến một điều không có nói mãi thành có, vùng biển không có tranh chấp thì họ tạo nên tranh chấp để cho có tranh chấp.
Theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quốc tế 1982, Việt Nam hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện về địa lý và pháp lý. Trong khi đó giàn khoan Hải Dương 981 của TQ hạ đặt cách đảo Lý Sơn khoảng 119 hải lý, còn nếu lấy mép đảo Hải Nam của TQ xuống thì hơn 300 hải lý. Vừa rồi họ lấy luận điệu cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để làm căn cứ hạ đặt giàn khoan nhưng thế giới không công nhận quần đảo này thuộc TQ. Các phương tiện truyền thông của TQ thì liên tục vu khống tàu Việt Nam đâm tàu của họ. Họ cứ vu khống như vậy nhiều lần để biến điều không có thành có, bởi họ muốn “đổi trắng thay đen”.
Không đấu tranh, TQ sẽ càng lấn tới
. Theo ông, mục tiêu cụ thể của TQ trong việc hạ đặt giàn khoan lần này là gì?
+ Có nhiều mục đích, trong đó có sự thăm dò dư luận quốc tế, vì vậy nếu Việt Nam không đấu tranh kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền của mình được quốc tế thừa nhận thì TQ sẽ lấn tới. Nếu Việt Nam không đấu tranh, thế giới không lên tiếng thì hôm nay TQ đóng giàn khoan chỗ này, mai kia lại đóng giàn khoan ở chỗ lãnh thổ các nước khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Luận điệu các nhà ngoại giao TQ thường nói đây là vấn đề tranh chấp biển không đụng với ASEAN mà sự tranh chấp này giữa TQ với Việt Nam hoặc một nước khác. Âm mưu của họ tách từng chiếc đũa ra khỏi bó đũa để bẻ từng chiếc, vì quan điểm của họ là đàm phán song phương. Nhưng vấn đề này liên quan đến toàn khối, bởi năm nước (Việt Nam, Brunei, Philippines, Indonesia, Malaysia) có liên quan với TQ về vấn đề biển Đông. Đây không phải là vấn đề riêng của từng nước mà là của cả khối ASEAN nên luận điệu TQ đưa ra hoàn toàn thất bại.
. Vậy trong tình hình hiện tại, cảnh sát biển làm gì để ổn định tình hình trên biển?
+ Chủ trương của ta là cần đấu tranh bằng ngoại giao, pháp lý quốc tế, sự đồng thuận của nhân dân để tạo áp lực, bởi xu thế hiện tại là đấu tranh bằng giải pháp hòa bình, đàm phán chứ không phải ta sợ TQ. Chúng ta đấu tranh hòa bình, kiềm chế, kiên trì, kiên quyết nhưng không khoan nhượng.
Đảng và Nhà nước cần phải tuyên truyền thật mạnh cho bà con ngư dân trên các vùng biển tích cực bám các ngư trường “một tấc không đi một ly không rời”. Đi liền đó, cần trang bị kiến thức pháp luật về biển cho bà con ngư dân. Ngoài ra báo chí cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương về biển, đảo của ta để thế giới và kiều bào hiểu rõ bản chất xâm lược của TQ.
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng dân sự đa năng. Trong tình hình như hiện tại hoặc xảy ra va chạm lớn hơn nữa, chúng ta vẫn kiên trì bám biển để tuyên truyền, vận động ngay cả với tàu TQ để họ hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam. Tránh gây đụng độ trước để tình hình xấu đi. Tăng cường thêm lực lượng thay nhau, thường xuyên có mặt tại điểm nóng, tùy theo thời tiết mà điều tàu phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra cần phối hợp với các lực lượng khác để tạo sức mạnh tổng hợp.
. Xin cảm ơn ông.
PHONG ĐIỀN thực hiện
Cảnh sát biển đủ sức đảm đương Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt để thực thi các vấn đề pháp luật trên biển, ra đời cách nay 15 năm, lực lượng ban đầu còn non trẻ, sau đó đã biên chế lực lượng từ cục, các hải đội đến các phòng ban, xây dựng doanh trại hệ thống cầu cảng, đóng mới các loại tàu thuyền. Đến nay cảnh sát biển đã phát triển được hàng chục tàu, thuyền, tùy từng vùng biển mà bố trí lực lượng tàu hợp lý. Trong đó loại tàu lớn nhất là 2.500 tấn, chở được máy bay trực thăng. Chúng ta có đủ lực lượng hoạt động trên các quần đảo và đủ sức vươn ra Trường Sa, Hoàng Sa trong 10 tiếng, còn trước đây mất hai ngày đêm. Ngoài ra lực lượng cảnh sát biển còn được trang bị máy bay tuần thám để trinh sát đủ sức quản lý các vùng biển. Trang bị các loại rađa quan sát vùng biển, theo dõi trên bầu trời, mặt nước… Đặc biệt là trung tâm chỉ huy hiện đại đủ sức quản lý vùng biển nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, ngồi ở trung tâm có thể quan sát toàn bộ vùng biển Việt Nam. Vừa rồi tôi có trao đổi với anh em chỉ huy cảnh sát biển, họ tự tin nói: “Thủ trưởng yên tâm, còn người là còn tàu, còn tàu còn bám biển”. Đại tá HỒ MINH GIÁP Chủ tịch nước gửi lời động viên ngư dân bị tàu TQ tấn công Sáng 13-5, UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết vừa tiếp nhận lời chia sẻ, động viên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đến chủ tàu cá QNg-96416 TS là ông Nguyễn Văn Lộc (37 tuổi, ngụ xã An Vĩnh) cùng 16 ngư dân trên tàu nói riêng và ngư dân Lý Sơn nói chung. Theo Dân Trí, nhân dịp này UBND huyện Lý Sơn đã đến thăm, động viên, gửi lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến ngư dân trên tàu của ông Nguyễn Văn Lộc. Bên cạnh đó, hỗ trợ 9 triệu đồng giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định đời sống để tiếp tục bám biển Hoàng Sa. AX |