Hố đen lạm phát “nuốt chửng” tiền gửi tiết kiệm ngân hàng - Ảnh: CartoonStock
“Bên ngoài ai cũng tưởng vợ chồng tôi giàu có, ở nhà to và con cái đi học ở những trường danh tiếng. Nhưng sự thật là chúng tôi đang mất dần số tiền dành dụm do chính mình kiếm ra” - cô Manasi Pawar nói.
Vợ chồng Manasi Pawar được xem là tầng lớp trung lưu trong xã hội Ấn Độ vì đều là kỹ sư phần mềm làm việc trong các tập đoàn công nghệ thông tin lớn và có mức lương ổn định.
Tuy nhiên, cô Pawar mới nhận ra một sự thật: tỉ lệ lạm phát 9%, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm chỉ 3-4%. Điều này đồng nghĩa với số tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng cô không sinh lãi mà còn bị mất dần vì tỉ lệ lạm phát cao hơn gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm.
Tờ Times of India thử làm một bài toán: với lãi suất 3-4%, tỉ lệ lạm phát 9% thì số tiền gửi tiết kiệm gửi ngân hàng sẽ bị “nuốt chửng” 1/10 hằng năm. Chẳng hạn, gửi 10.000 USD tiết kiệm sẽ bị mất 1.000 USD/năm (1/10) do lạm phát, trong khi đó chỉ được lãi 400 USD/năm với lãi suất 4%/năm, do đó một người gửi tiết kiệm không được lãi mà còn bị mất 600 USD. Như vậy gửi 10.000 USD tiết kiệm sau một năm chỉ còn 9.400 USD và chẳng có lãi.
“Chúng tôi may mắn hơn những người nghèo khác. Chúng tôi đang ngồi trên đống tiền mặt do mình làm ra nhưng không dám gửi tiết kiệm nữa, vì lãi suất gửi tiết kiệm không phù hợp với tỉ lệ lạm phát” - cô Pawar thử tính toán.
Trong khi đó người lao động thu nhập thấp, người già nghỉ hưu sống nhờ vào tiền gửi tiết kiệm là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tỉ lệ lạm phát tăng cao, kéo theo giá cả tiêu dùng, lương thực tăng cao...
Theo tờ Wall Street Journal, khác với các nước phương Tây, Ấn Độ và các nước châu Á có mức lãi suất gửi tiết kiệm cao ngất ngưởng trên thế giới, nhưng tỉ lệ lạm phát cao hơn mức lãi suất.
Một câu hỏi khó được đặt ra cho những nhà làm luật Ấn Độ: Đời sống người dân có thật sự thịnh vượng hơn hay không, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng chính phủ không kiểm soát được lạm phát?
Theo Duy Phúc (TTO / BBC, Times of India)