Sáng 23-5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết hướng dẫn một số điều của BLHS 2015, trong đó có bảy điều quy định về các tội xâm phạm tình dục. Phiên họp có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Hôn mặt người dưới 16 tuổi là phạm tội dâm ô…
Dự thảo nghị quyết dành một điều hướng dẫn về một số tình tiết định tội như giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, trái ý muốn của nạn nhân, người lệ thuộc, người đang ở trong tình trạng quẫn bách, dâm ô, trình diễn khiêu dâm…
Đáng chú ý, theo dự thảo nghị quyết, dâm ô là một trong các hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi. Các hành vi này gồm: a) Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm, như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người dưới 16 tuổi; b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn… vào những bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác; c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ sở người dưới 16 tuổi.
Đặc biệt, dự thảo nghị quyết nêu rõ hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (như qua lớp quần áo…).
Qua dự thảo này, có thể thấy hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh (cựu viện phó VKSND TP Đà Nẵng) gí ôm và hôn vào má cháu bé đích thị là hành vi dâm ô đối với trẻ em.
Quang cảnh buổi họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bàn về dự thảo nghị quyết hướng dẫn các tội xâm phạm tình dục. Ảnh: ĐỨC MINH
Nạn nhân càng nhỏ, hình phạt càng nặng
Góp ý dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung hành vi vuốt ve, vì đây là cách được giải thích phổ biến hiện nay.
Dự thảo nghị quyết cũng hướng dẫn hành vi tình dục khác là những hành vi quan hệ tình dục không phải hành vi giao cấu nhưng vẫn nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội.
Liên quan đến việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, dự thảo nghị quyết quy định việc áp dụng hình phạt chính đối với người phạm tội được thực hiện theo các quy định của BLHS nhưng phải bảo đảm nghiêm khắc. Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và tái phạm tội, khi xét xử các vụ án xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, cùng với việc áp dụng hình phạt chính, tòa án phải áp dụng các hình phạt bổ sung (như cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định) đối với người phạm tội.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo nghị quyết hướng dẫn rõ hơn để bảo đảm tính nghiêm khắc. Cụ thể, nghị quyết cần quy định theo hướng xâm phạm nạn nhân tuổi càng nhỏ thì hình phạt càng nặng. “Về các hình phạt bổ sung, những người đã phạm các tội xâm hại tình dục trẻ em, trong thời gian đang chấp hành hình phạt và các biện pháp tư pháp, thậm chí là một thời gian sau khi đã chấp hành xong hình phạt rồi phải bị cấm làm các nghề liên quan đến trẻ em, cấm tiếp xúc với trẻ em và người chưa thành niên” - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị.
Sẽ thảo luận ở một phiên họp khác
Phát biểu sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là dự thảo đầu tiên nên các nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Tại phiên họp này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chủ yếu nghe ý kiến của các cơ quan liên quan. Các thành viên hội đồng sẽ tham gia ý kiến bằng văn bản và quay lại thảo luận ở một cuộc họp khác.
Ông Bình cũng cho rằng cần có quy định về giải thích từ ngữ, để giải thích những từ ngữ được sử dụng nhiều lần trong hướng dẫn, như “bộ phận sinh dục”, “bộ phận nhạy cảm”… “Trong hướng dẫn mới chỉ chú ý chủ thể là nam đối với nữ nhưng thực tế có thể là nữ với nữ, nam với nam, các cháu bé nam cũng có thể là nạn nhân bị xâm hại tình dục” - ông Bình nhắc thêm.
Đặc biệt, khi hướng dẫn một số tình tiết định khung hình phạt, “có tính chất loạn luân” được giải thích là trường hợp người phạm tội đã hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Tuy nhiên, ông Bình đặt vấn đề: “Có trường hợp không cùng dòng máu nhưng vi phạm đạo đức như cha chồng với con dâu, cha dượng với con riêng của vợ… thì có được coi là loạn luân hay không? Xã hội rất lên án những trường hợp này”.
Thế nào là trái ý muốn của nạn nhân? Dự thảo quy định “người lệ thuộc” là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc về vật chất (như được nuôi dưỡng, được chu cấp các chi phí sinh hoạt hằng ngày…) hoặc lệ thuộc về công việc, tín ngưỡng, tôn giáo đối với người phạm tội. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đề nghị cần xem xét các mối quan hệ cũng mang tính lệ thuộc khác như người giám hộ, giáo viên, người quản lý giáo dục, người sử dụng lao động… Tình tiết “trái ý muốn của nạn nhân”, theo dự thảo, là người bị hại không đồng ý với hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác nhưng người phạm tội vẫn cố ý thực hiện. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng trái ý muốn không phải chỉ là không đồng ý. Thực tế có trường hợp đồng ý do không tự vệ được hoặc phó mặc để đối tượng muốn làm gì thì làm. “Có trường hợp xung quanh toàn đối tượng đầu gấu, xăm trổ nên nạn nhân phải phó mặc…” - ông Bình dẫn chứng. Dự kiến tháng 9-2019 sẽ ban hành nghị quyết Dự thảo nghị quyết vừa được Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học hoàn thiện, lần đầu trình xin ý kiến Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Các tội được hướng dẫn gồm: Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), Điều 143 (tội cưỡng dâm), Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi), Điều 145 (tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi), Điều 146 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi) và Điều 147 (tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm). Dự kiến nghị quyết này sẽ được ban hành vào tháng 9-2019. |