An toàn khi xây nhà ga ngầm metro

“Thi công công trình ngầm là vấn đề phức tạp, nhiều rủi ro nên việc bảo đảm an toàn cho các công trình xung quanh được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đặt hệ thống quan trắc nhằm theo dõi chuyển vị của các tòa nhà xung quanh khu vực, chuẩn bị cho việc thi công hệ thống tường dẫn vào tháng 10 này. Trường hợp chuyển vị vượt trị số cho phép, chúng tôi sẽ tạm dừng thi công để tìm biện pháp xử lý ngay” - ông Dương Hữu Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án tuyến metro số 1, cho biết.

Hết sức cẩn thận

Ngoài ra, theo Ban Quản lý dự án, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu 1B - thi công 2 nhà ga ngầm, gồm: nhà ga Nhà hát Thành phố và nhà ga Ba Son vừa được Ban Quản lý Đường sắt đô thị ký kết với liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda (Nhật Bản). Gói thầu này trị giá 23,17 tỉ yen (tương đương 229,1 triệu USD) và cũng là gói thầu thứ 3 được triển khai thi công của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành (quận 1) - Suối Tiên (quận 9) dài 19,7 km.

Khác với các công trình hầm thông thường, việc thi công nhà ga ngầm có độ sâu đến 40 m sẽ áp dụng phương pháp top - down (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và đổ sàn từ trên xuống) nhằm giảm thiểu rủi ro sụt lún. Hiện nhà thầu đang chuẩn bị thi công hệ thống tường dẫn, tháng 10 triển khai thi công tường vây và cọc chống.

Khu vực xây nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố thuộc tuyến metro số 1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khu vực xây nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố thuộc tuyến metro số 1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Dương Hữu Hòa cho biết việc thi công nhà ga ngầm không khác gì so với các công trình ngầm của những tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm nhưng vì đi qua nhiều tuyến đường, nhiều công trình vốn là biểu tượng của TP nên phải hết sức cẩn thận.

Điểm khác biệt của công trình ngầm này là độ sâu nhất của đoạn ngầm lên đến 40 m, đây cũng là 1 trong 3 nhà ga ngầm của tuyến metro có độ sâu nhất nằm ở khu trung tâm.

“Càng đào sâu thì rủi ro và chi phí càng cao. Đoạn từ cuối nhà ga Nhà hát Thành phố đến đầu nhà ga Ba Son dài khoảng 800 m phải sử dụng khiên đào (máy TBM có đường kính 6,65 m để khoan ngầm trong lòng đất) khoan ngầm giữa lòng đường từ độ sâu 15-30 m đi từ bên hông Nhà hát Thành phố (trước khách sạn Caravelle) qua trụ sở Công ty Điện lực TP theo đường Nguyễn Siêu về Nhà máy Ba Son.

Sử dụng máy TBM sẽ không phải đào phá mặt đường, phá vỡ cảnh quan, giảm thiểu rủi ro sụt lún, đỡ phải di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, công nghệ khoan ngầm chỉ sử dụng một số đoạn phù hợp.

Do tính chất phức tạp và đòi hỏi độ an toàn cao nên phải mất 54 tháng mới thi công xong gói thầu 1B. Trong đó, 36 tháng thi công xây dựng, còn lại là lắp đặt đường ray, hệ thống thông gió và các trang thiết bị khác...” - ông Hòa thông tin thêm.

Phác họa nhà ga hiện đại

Theo Ban Quản lý dự án, gói thầu số 2 đã khởi công ngày 28-8-2012, xây dựng đoạn đi trên cao và các depot, hiện đã thi công một số trụ, cọc nhồi, đạt 30% khối lượng công trình.

Gói thầu số 3 (cơ điện, đầu máy toa xe và đường ray) đã ký hợp đồng vào tháng 6-2013, dự kiến cuối năm 2014 sẽ hoàn tất thiết kế kỹ thuật; năm 2015 tiến hành thiết kế chế tạo, mua sắm; đến năm 2016 thì lắp đặt.

Gói thầu 1B triển khai rào chắn, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật vào ngày 21-7-2014, tháng 9 xây dựng tường dẫn, tháng 10 xây dựng tường vây cọc chống.

Gói thầu 1A (Nhà ga trung tâm Bến Thành) đoạn từ vòng xoay Quách Thị Trang đến Nhà hát Thành phố đang hoàn tất thiết kế kỹ thuật, dự kiến cuối năm 2014 triển khai đấu thầu và quý III/2015 khởi công.

Phối cảnh tuyến metro số 1, đoạn phía trước khách sạn Rex. (Ảnh do Ban Quản lý dự án cung cấp)
Phối cảnh tuyến metro số 1, đoạn phía trước khách sạn Rex. (Ảnh do Ban Quản lý dự án cung cấp)

Đưa chúng tôi xem mô hình nhà ga hiện đại, ông Hòa cho biết để phục vụ cho đoàn tàu có 6 toa, mỗi nhà ga có chiều rộng 26 m, dài 190 m, gồm 4 tầng. Trong đó, tầng 1 là nhà chờ với đầy đủ tiện nghi như máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 là sân ga - nơi tàu dừng, đỗ đón, trả khách. Tầng 3 là nhà chờ trung tâm kiểm soát, các phòng kỹ thuật. Tầng 4 là sân ga - nơi tàu dừng, đỗ đón, trả khách.

Mỗi tầng đều có thang cuốn để khách lên xuống và thang máy cho người khuyết tật, người cao tuổi, người có con nhỏ. Ngoài ra, còn có nhiều tiện ích cho người khuyết tật tiếp cận như máy bán vé tự động, nhà vệ sinh, hệ thống cửa soát vé rộng rãi, hệ thống thông tin chỉ dẫn cửa ra vào metro cho người khiếm thị.

Đã yên tâm hơn

Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu trước đây, nhiều hộ dân sinh sống và buôn bán ở khu vực công trình thi công lo ngại về sự an toàn do công trình đào ngầm thì nay họ đã yên tâm hơn khi cán bộ phụ trách dự án tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc. Bà Đỗ Thị Kim (ngụ chung cư 79 Lê Lợi, quận 1) cho biết: “Tôi sống ở chung cư này đã 37 năm. TP làm tuyến metro phải đào xới nhiều nhưng tôi không lo lắm vì chắc chắn việc bảo đảm an toàn phải được chính quyền đặt lên hàng đầu”.

Các cửa hàng nằm dọc đường Lê Lợi, gần khách sạn Rex, gần đây thưa người qua lại, việc buôn bán cũng ế ẩm hơn. Tuy nhiên, chị Nhi - người bán đồ lưu niệm ở một cửa hàng - chia sẻ: “Ban đầu, khi thấy đường cấm đi lại, rào chắn, máy móc ùn ùn kéo đến, ai cũng lo nhưng nay chúng tôi đã chấp nhận hoàn cảnh này vì biết thi công công trình tàu điện ngầm tầm cỡ thì không thể một sớm một chiều”.

Theo THU HỒNG - QUÝ HIỀN (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm