Án trễ hạn, bế tắc... vì giám định gặp khó khăn

Bên cạnh việc thiếu trang thiết bị, thiếu thông tin cập nhật kỹ thuật giám định mới, còn có thực trạng cơ quan tố tụng vì không có chuyên môn sâu nên đưa ra yêu cầu giám định không đúng chuẩn, mất thời gian trả hồ sơ để ra quyết định trưng cầu giám định lại…

“Ngại nhất là một số cơ quan, tổ chức liên quan chưa hợp tác, hỗ trợ. Chính cơ quan tố tụng đi thu thập mẫu so sánh để giám định mà đến cơ quan thuế, nhà đất xin tài liệu lưu trữ còn gặp khó khăn thì những tổ chức xã hội hóa như văn phòng giám định tư pháp “tư” hoặc người dân tự đi thu thập chắc sẽ phải bó tay. Mà thiếu mẫu so sánh thì không thể ra kết luận giám định được” - Thượng tá Nghĩa nói.

Theo Thẩm phán Trần Thị Thanh Hà (Chánh Tòa Lao động TAND tỉnh Đồng Nai), có vụ tranh chấp thừa kế bị hủy án, xét xử tới lui nhiều lần, kéo dài gần 20 năm cũng do gặp khó khăn trong giám định chứng cứ. Phòng kỹ thuật hình sự tỉnh yêu cầu cung cấp mẫu chữ ký của người để lại di sản từ những năm 1980. Mãi mới truy ra được mẫu chữ ký có ở tàng thư lưu trữ của Bộ Công an thì đơn vị lưu trữ lại từ chối cho mượn tài liệu về làm mẫu giám định, chỉ cho… giám định tại chỗ. Phòng kỹ thuật hình sự phải kêu trời vì không thể khiêng cả phòng máy móc đến đó giám định được.

Bên cạnh đó, không ít vụ án hình sự quá hạn tố tụng cũng bởi khâu giám định. Đối với các nhóm tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc nhóm tội hiếp dâm mà người bị hại từ chối giám định thì hoạt động tố tụng gặp khó khăn ngay. Người bị hại từ chối giám định hay giám định lại thương tích xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Do mối quan hệ gia đình, họ hàng với đối tượng gây án; do sống cùng trong khu dân cư, gần nhà… bị đe dọa, sợ hãi; thậm chí có trường hợp người bị hại bị mua chuộc, đe dọa nên thỏa thuận ngầm với bên gây án, nhận tiền bồi thường và tự hòa giải…

Khi người bị hại kiên quyết không giám định lại thương tích, có trường hợp tòa phải căn cứ vào các chứng cứ khác như giấy chứng thương, hồ sơ bệnh án… để xử lý. Tuy nhiên, việc này chỉ chính xác trong trường hợp vết thương gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc gây cố tật cho nạn nhân. Còn với trường hợp bị thương tích nhẹ, không gây cố tật thì tòa sẽ rất khó đánh giá chứng cứ.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm