Thủ tướng Boris Johnson sẽ đưa ra điều khoản đàm phán hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) với khối này vào ngày 3-2 (giờ Anh). Và các cuộc đàm phán giữa Anh và châu Âu sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới, hãng tin Reuters cho hay.
Đến cuối năm nay, Anh và EU phải kết thúc “giai đoạn chuyển tiếp”, cố gắng đảm bảo một thỏa thuận về thương mại và quan hệ trong tương lai nhưng hiện hai bên vẫn còn nhiều bất đồng.
Trong bài phát biểu ngày 2-2, thủ tướng Anh đưa ra tầm nhìn về mối quan hệ tương lai với EU và từ chối chấp nhận các quy tắc và quy định của khối về cạnh tranh, chi tiêu phúc lợi và tiêu chuẩn môi trường.
Theo Thủ tướng Johnson, Anh sẽ từ chối chấp nhận một số điều khoản chặt chẽ từ EU. Ảnh: SKY NEWS
Theo ông Johnson, nếu EU không cấp một thỏa thuận miễn thuế và hạn ngạch đối với hàng hóa, tương tự như đối với Canada, thì Anh sẽ theo đuổi một thỏa thuận lỏng lẻo hơn - như Úc.
"Rõ ràng không phải là có thỏa thuận hay không thỏa thuận. Vấn đề đặt ra là liệu chúng tôi có đồng ý mối quan hệ thương mại với EU như với Canada hay là như Úc" - theo bài phát biểu của ông Johnson.
"Trong cả hai trường hợp, tôi đều tin rằng nước Anh sẽ thịnh vượng, phát triển. Tất nhiên, mối quan hệ mới với những người hàng xóm thân cận nhất sẽ vượt xa khỏi tầm thương mại" - ông Johnson nói.
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thực tế về an ninh và về việc bảo vệ công dân của chúng tôi, mà không xâm phạm quyền tự chủ của các hệ thống pháp lý riêng biệt của chúng tôi" - Reuters dẫn nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Johnson.
"EU nên chấp nhận các quy tắc của Vương quốc Anh” - ông Johnson nói rõ.
“Chúng tôi muốn có một thỏa thuận thương mại tự do như Canada nhưng trong trường hợp điều đó khó xảy ra thì thỏa thuận thương mại sẽ phải dựa trên thỏa thuận Brexit với EU” - theo lời ông Johnson.
Các đàm phán thương mại giữa Anh và EU thời kỳ hậu Brexit có vẻ sẽ phức tạp hơn. Ảnh: AP
Trước đó, phía EU đã nhiều lần cảnh báo Anh rằng mức độ tiếp cận thị trường 450 triệu người của EU sẽ phụ thuộc vào việc London đồng ý tuân thủ các quy tắc như thế nào.
Theo Reuters, với việc đang có quyền hạn tương đối lớn trong Nghị viện Anh nhờ cuộc bỏ phiếu hồi năm ngoái, ông Johnson có quyền yêu cầu thiết lập các quy tắc riêng của mình theo nguyện vọng của các doanh nghiệp nước này.
Hồi tháng 10-2019, Thủ tướng Johnson đã nhất trí rằng mối quan hệ trong tương lai với EU phải đảm bảo cạnh tranh công bằng, đảm bảo tạo ra một "sân chơi bình đẳng" cho các doanh nghiệp.