Trong một bài viết cho tờ Asia Times ngày 16-4, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á David Hutt đã đưa ra nhận định: Việt Nam sẽ thắng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Theo đó, thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới, giãn cách xã hội hiệu quả cùng chính sách ngoại giao chiến lược, Việt Nam đã giảm được tác động của đại dịch COVID-19 đến mức tối thiểu.
Điều này đã mang tới cơ hội mà nhiều chuyên gia đánh giá là Việt Nam đang nắm chắc trong tay nhằm tiếp tục giữ vững vị thế của một nhân tố toàn cầu đáng tin cậy, có trách nhiệm.
Việt Nam được đánh giá chống dịch hiệu quả. Ảnh minh hoạ: REUTERS
Điểm sáng giữa khủng hoảng
Theo GS Carl Thayer thuộc ĐH New South Wales (Úc) - một trong những học giả hàng đầu về Việt Nam, Việt Nam đã rất nhanh chóng ghi điểm ấn tượng trong mắt cộng đồng quốc tế với chiến lược “ngoại giao thời COVID-19” của riêng mình.
Cụ thể, Việt Nam gần đây đã có động thái tăng cường sản xuất thiết bị y tế và viện trợ cho các quốc gia đang thiếu thốn nguồn lực trầm trọng như Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức hay Anh.
Điểm chung của các nước này là đều đang phải vật lộn với COVID-19 và đều là những nước đã đàm phán nhiều thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đây.
Việt Nam cũng viện trợ khẩu trang, dung dịch rửa tay và trang thiết bị chống dịch cho hai nước láng giềng Campuchia và Lào - những nước có mối quan hệ rất sâu sắc với Việt Nam.
“Đại dịch COVID-19 là dịp Việt Nam tăng cường sức mạnh mềm, lan rộng tinh thần hào phóng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, GS Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) nhận định.
Trong khi đó, học giả quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) Derek Grossman đánh giá cách Việt Nam ứng phó với đại dịch và chính sách ngoại giao đi kèm sẽ “giúp Việt Nam chứng minh vị trí của mình với thế giới”.
Theo ước tính Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2019 là nhờ vào những thay đổi tích cực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số chuyên gia còn cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các nước Đông Nam Á khác trong năm 2021, đặc biệt nếu Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) tăng cường đầu tư sản xuất tại Việt Nam sau thời kỳ dịch bệnh.
Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, GDP năm 2020 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ chỉ giảm 1,5%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Khi nhìn sang hầu hết các nước xung quanh thì con số này rất đáng lạc quan. Đơn cử, kinh tế Thái Lan bị cảnh báo sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay.
Thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng là điểm sáng nhất trong khu vực năm 2020 giữa lúc các thị trường chứng khoán khác trong khu vực đầy sắc đỏ do nhà đầu tư hoảng sợ trước những dự báo về thiệt hại kinh tế.
Thử thách vai trò lãnh đạo của Việt Nam
Đại dịch COVID-19 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng đối với Việt Nam khi nước này đang đảm đương cả vai trò chủ tịch ASEAN lẫn ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hôm 14-4, Việt Nam đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy kế hoạch ứng phó dịch chung toàn khối trong bối cảnh nhiều nước thành viên ASEAN ghi nhận tình hình dịch diễn biến xấu như Indonesia, Singapore và Philippines.
“Trong thời khắc khó khăn này, sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN tỏa sáng như ngọn hải đăng trong bóng tối”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị ASEAN ngày 14-4. Ảnh: AFP
Theo cây bút David Hutt, giới ngoại giao dự đoán rằng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam có thể sẽ kéo dài đến năm 2021 do hoạt động bị dịch COVID-19 gián đoạn.
Nếu kịch bản này diễn ra, Việt Nam sẽ có thêm thời gian để tìm kiếm đồng thuận trong khu vực đối với hai vấn đề lớn là thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và giải quyết vấn đề tài nguyên nước trên sông Mekong.
Cả hai vấn đề gai góc này đã khiến nhiều nước thành viên của ASEAN bất đồng với Trung Quốc. Hồi đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trong khi đó, một báo cáo của Mỹ công bố trong tuần này cho thấy các đập Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mekong gây hạn hán nghiêm trọng ở phần hạ lưu chảy qua Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan.
Để thành công trong việc giải quyết những vấn đề nói trên, Việt Nam sẽ cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Tác giả David Hutt nhận định đường lối ngoại giao tích cực của Việt Nam những năm gần đây đã giúp quốc gia này có thêm nhiều bạn bè cả trong lẫn ngoài khu vực.
(*) Bài viết lược dịch, tựa do PLO đặt lại.