Trưởng đoàn TTVN Đặng Hà Việt

'ASIAD 19 để lại nhiều tiếc nuối'

(PLO)- Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Cục trưởng Cục TDTT – Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại Asian Games 19 Đặng Hà Việt gửi lời xin lỗi, dù đoàn đã hoàn thành mục tiêu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

. PV: Asian Games 19 vừa kết thúc tại Hàng Châu, Trung Quốc. Nhìn lại quá trình thi đấu của đoànTTVN, điều gì làm ông hài lòng và còn tiếc nuối?

+ Trưởng đoàn TTVN tại Asian Games 19 Đặng Hà Việt: Trong quá trình tham gia ASIAD 19, đoàn TTVN đã thể hiện tốt vai trò đại sứ văn hóa trong cách sống, sinh hoạt, giao lưu và làm việc chuyên nghiệp.

Về chuyên môn, đoàn TTVN đã giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ và hoàn thành chỉ tiêu đạt được từ 2-5 HCV. Điều chúng tôi hài lòng là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, trong đó những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như đội tuyển Bắn súng, Cầu mây, mỗi đội đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển Karatedo đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được huy chương vàng như Thể dục, Bắn cung, Bóng chuyền,... đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ.

danng-ha-viet.jpg
Trưởng đoàn TTVN Đặng Hà Việt cùng các thành viên vừa từ Trung Quốc trở về sau ASIAD 19. Ảnh: HA.

Về thông số thành tích, ngoài sự xuất sắc của các môn trên còn có một số thành tích khác, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đáng để khích lệ của tay bơi Nguyễn Huy Hoàng, hay như ở nội dung 4x400m tiếp sức của môn Điền kinh. Đặc biệt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đạt vị trí tốt nhất tại các kỳ Asian Games, dù thua Thái Lan ở trận tranh HCĐ, sau những chiến thắng Hàn Quốc, Triều Tiên.

Asian Games 19 đã kết thúc nhưng chắc chắn để lại nhiều tiếc nuối. Điển hình là tay đua Nguyễn Thị Thật bị chấn thương và mới chỉ tập luyện trở lại được 1 tháng. Ở môn Boxing là các VĐV Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh,... Môn Karate gồm các võ sĩ Mỹ Tâm, Thanh Nhân, Nguyễn Thị Ngoan,...

. Các cuộc thi đấu tại ASIAD 19 đã minh chứng cho những nhận định của ông, khi VĐV bất lợi vì thấp hơn về thể hình, thể lực. Vậy chúng ta phải làm gì để giải bài toán này?

ttvn-asiad.jpg
Các cô gái của TTVN đã thi đấu rất nỗ lực ở đấu trường lớn châu Á. Ảnh: HA.

+ Hiện chúng ta đã có đề án tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai đề án hiện chưa được như mong muốn. Chúng ta chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng từ tất cả các nguồn lực, từ y tế, giáo dục tới thể thao… nên chưa thể thực hiện được mục tiêu. Vì thế công tác tuyển chọn VĐV, tuyển chọn nhân tài cho thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn.

Ví dụ nhìn thấy ngay tại Asian Games lần này là bóng đá nữ. Các cô gái đá bóng của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ là đội tuyển Philippines sẽ là thế lực của bóng đá nữ khu vực Đông Nam Á, nhất là với xu hướng nhập tịch như hiện nay, các nữ cầu thủ Philippines có lợi thế về chiều cao và thể lực để hướng tới mục tiêu cao hơn là Olympic.

Ở môn Rowing, các tay đua Việt Nam đều thấp bé, nhẹ cân trong khi VĐV nữ thấp nhất của Trung Quốc cao tới 1,8m. Đối với các nước Đông Nam Á, để tuyển chọn VĐV nữ thi đấu ở môn đua thuyền nặng nói riêng và các môn khác nói chung mà cao 1m80, có tố chất phù hợp là rất khó khăn.

ttvn-asiad-2.jpg
Ông Đặng Hà Việt cùng các lãnh đạo ngành TTVN quan tâm sát sao đến VĐV ở những cuộc thi đấu tại Asian Games 19. Ảnh: HA.

Cục TDTT sẽ nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai thì có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. Đây là một quá trình cần một hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất rồi việc xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành,…

. Có ý kiến cho rằng chúng ta đứng đầu ở Đông Nam Á nhưng lại “rơi rụng” ở Asian Games, Olympic. Vậy theo ông đâu là lý do của tình trạng này?

+ Asian Games và Olympic là hai đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đầu tư đạt thành tích tại hai sân chơi lớn này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu về khoa học TDTT trên thế giới đã chỉ ra rằng, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn.

ttvn-asiad-4.jpg
ASIAD 19 vừa diễn ra tại Trung Quốc ghi lại những kỷ niệm đẹp của đoàn TTVN. Ảnh: HA.

Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh diễn ra giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Asian Games là các nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao, là những sự đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kêu gọi các nguồn tài trợ,…

Còn với TTVN cần thêm nhiều yếu tố đầu tư đến công tác đào tạo, tuyển chọn VĐV, hệ thống các giải đấu. Quy trình để đào tạo cho một tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm. Có khi hàng ngàn VĐV tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới có một tài năng cấp châu lục và thế giới. Việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cách làm việc khoa học, bài bản.

Phân tích các môn thể thao đạt huy chương vàng của các nước Đông Nam Á mới thấy rất rõ, hầu hết đến từ các môn thể thao xã hội hóa và các môn thể thao truyền thống có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học: Thái Lan 12 huy chương vàng (2 Golf, 1 E-Sport, 3 môn thuyền buồm, 4 cầu mây); Malaysia 6 HCV (1 cưỡi ngựa, 1 thuyền buồm, 3 Squash), Singapore 3 HCV (2 HCV thuyền buồm),...

ttvn-asiad-1.jpg
Lãnh đạo Cục TDTT đón đoàn tại sân bay Nội Bài. Ảnh: HA.

Mặc dù đạt chỉ tiêu nhưng đoàn TTVN chưa đạt thành tích như mong đợi. Thay mặt lãnh đạo đoàn TTVN, tôi gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ trong cả nước. Mong rằng trong thời gian tới, TTVN tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, người hâm mộ và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích.

. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm