Chiều 17-11, TAND TP.HCM tiến hành cho các luật sư bào chữa vụ lừa đảo và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với 10 bị cáo trong sai phạm hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cáo buộc bà Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) lừa đảo và đề nghị mức án cao nhất tù chung thân. Ngược lại, các luật sư và bị cáo Diệp kêu oan.
Bà Diệp luôn đến phiên xử với túi hồ sơ khá nặng bên cạnh. Ảnh: N.NHI
Luật sư không đồng tình với VKS và đề nghị HĐXX xem xét lại bản chất, tính pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng. Từ đó, luật sư cho rằng đủ niềm tin và căn cứ pháp lý xác định thân chủ mình không phạm tội lừa đảo, đề nghị tòa trả tự do, khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Diệp theo quy định của pháp luật.
Bởi vấn đề có hay không việc nhà đất 57 Cao Thắng được thế chấp và chứng thực tại Phòng Công chứng số 1 ngày 31-12-2008 là một trong những vấn đề mấu chốt được tranh luận, đối đáp rất căng thẳng tại phiên toà sơ thẩm từ ngày 15 đến 26-3 và được HĐXX đặt ra đầu tiên trong yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Theo luật sư, vấn đề mấu chốt nhất cần làm rõ tại phiên toà này là việc công chứng hợp đồng thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng được thực hiện tại trụ sở Phòng Công chứng số 1 hay tại trụ sở Agribank HCM.
Bên cạnh sự sai lệch về thời điểm công chứng không phải ngày 31-12-2008, tại phiên toà này, một vấn đề mới phát sinh là việc thực hiện công chứng ợp đồng thế chấp tài sản (gắn liền với quyền sử dụng đất) cùng bị coi là vô hiệu vì vi phạm Luật Công chứng 2006 bởi nhiều lý do.
Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị xem xét thận trọng, khách quan nguyên nhân, bối cảnh và một số yếu tố tác động đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Đặc biệt, ông đề nghị làm rõ việc có hay không giá trị đích thực của các tài liệu, chứng cứ liên quan việc Agribank giải ngân thanh toán các khoản nợ của Công ty Diệp Bạch Dương tại SeaBank để nhận lại các tài sản thế chấp do SeaBank nắm giữ, chứ thực chất không có việc công ty này giao dịch nhận vàng và đưa tài sản 57 Cao Thắng vào làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 8.700 lượng hay bất cứ hợp đồng tín dụng nào khác.
Đáng chú ý, luật sư cho rằng về mặt pháp lý và thực tế, tài sản Nhà nước không bị mất đi và không bị chiếm đoạt, quyền xác lập giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất thuộc về Nhà nước. Bà Diệp không có cơ hội và không thể chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng. Trong trường hợp này, Công ty và bà Diệp có yêu cầu hủy việc hoán đổi tài sản, liên quan các tranh chấp phát sinh trong quan hệ tín dụng với Agribank và tổ chức tín dụng khác, nếu không hòa giải, tìm kiếm được phương án giải quyết, Agribank hoặc tổ chức tín dụng khác có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Về phía bà Diệp, khi bà thực hiện quyền tự bào chữa, chủ toạ nhiều lần lưu ý bà là “bị cáo chú ý trong bào chữa của mình không xúc phạm người khác”.
Trước tòa, bà Diệp cho rằng mọi việc được dày công tổ chức để đẩy bà vòng lao lý. Điều bà khẳng định như từ trước đến nay: “Tôi không lừa, họ đã bôi nhọ, sử dụng chứng cứ giả, không có căn cứ. Còn chứng cứ thật của tôi thì không được VKS xem xét. Cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của bị cáo như một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.
“Tôi khẳng định một điều duy nhất là không thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Có sự đánh tráo nội dung hợp đồng tín dụng và tài sản. Tài sản này không hề thế chấp trong hệ thống ngân hàng”, bà Diệp nói.
Bà cũng tố cáo CQĐT đã vận động người tố cáo mình. Bà mong một bản án anh minh, công bằng; bà dọa nếu không bà "sẽ đưa vụ án ra quốc tế"...
Khi chủ toạ nhắc "bị cáo còn chứng cứ nào nữa không", bà Diệp nói: "Gần ba năm ở tù, đớn đau cũng nhiều ai cũng biết…" và nhắc đến cha mình với niềm tin rằng khi ông trăm tuổi, bà sẽ được gặp. Hiện ông đang 98 tuổi ở Hà Nội.
Cho rằng bà Diệp không bình tĩnh khi trình bày, chủ toạ mời bà về chỗ và an tâm khi có tới sáu luật sư bảo vệ cho bị cáo.