Bà Bạch Diệp nói bị lừa, phòng công chứng gửi chứng cứ

Sáng 24-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng tám đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu "đất vàng” 185 Hai Bà Trưng (quận 3, trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM).

Trong vụ án này, bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) bị cáo buộc có gian dối khi đổi nhà 57 Cao Thắng lấy 185 Hai Bà Trưng đã cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo.

Trong khi tài sản này đã được thế chấp tại Agribank ngày 31-12-2008 gây thiệt hại cho nhà nước hơn 186 tỉ đồng.

Luật sư bảo vệ bà Bạch Diệp đang tranh luận tại phiên toà. Ảnh: H.GIANG

Trước đó, chiều qua (23-3) luật sư phía Agribank cung cấp và chỉ nguồn chứng cứ việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng để bác quan điểm bà Diệp nói bị ngân hàng lừa. Nay, chủ toạ thông báo về việc vừa nhận được văn bản của Phòng công chứng số 1 cung cấp tài liệu cho tòa.

Theo đó, Phòng công chứng đã cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản trên. Đồng thời, đơn vị này có ý kiến ngày 31-12-2008 có chứng nhận hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng giữa Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương (do bà Diệp làm đại diện) với ngân hàng Agribank.

Bà Bạch Diệp năm nay 73 tuổi. Ảnh: H.GIANG

Đồng thời đơn vị này khẳng định hợp đồng trên ngoài lưu trữ bằng giấy tại kho lưu trữ, còn lưu giữ trên hệ thống Master, chương trình được Bộ Tư pháp thiết lập.

Trước đó, bà Diệp cho rằng trên hệ thống phòng công chứng, Sở Tư Pháp không có hợp đồng công chứng nào thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng.

Phòng công chứng giải thích hồ sơ công chứng tài sản không lưu trữ trên hệ thống Sở Tư pháp TP.HCM vì tại thời điểm đó, TP.HCM chưa có phần mềm quản lý hồ sơ công chứng, lịch sử giao dịch dùng chung cho tất cả các tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM.

Chủ toạ Phạm Lương Toản thay mặt HĐXX nêu nội dung tài liệu phòng công chứng vừa cung cấp cho toà. Ảnh: H.YẾN

Theo thông báo của chủ tọa, toàn bộ tài liệu trên sẽ được chuyển cho VKS để kiểm sát và chuyển cho luật sư bà Diệp tiếp cận dùng tranh luận bổ sung.

Luật sư bào chữa cho bà Diệp đề nghị HĐXX triệu tập đại diện phòng công chúng số 1 tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, theo HĐXX, những tài liệu đơn vị cung cấp đã có trong hồ sơ vụ án. Và những tài liệu này chỉ là một nguồn để HĐXX xem xét toàn diện thêm đối với vụ án, nên không cần thiết phải triệu tập như đề nghị của luật sư. 

Tuy nhiên, luật sư lại tiếp tục đề nghị triệu tập người ký văn bản gửi tòa từ phòng công chứng. Vì văn bản cho rằng thời điểm ký hợp đồng thế chấp chưa tồn tại hệ thống lưu trữ điện tử.

Phiên tòa đang tiếp tục.

Ý kiến về xử lý tài sản 185 Hai Bà Trưng

Trong phần đề nghị xử lý, đại diện VKS đề nghị HĐXX thu hồi tài sản quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM để đảm bảo tài sản của Nhà nước không bị thất thoát. Đồng thời dành quyền khởi kiện cho các bên liên quan nếu có thiệt hại, tranh chấp.

Tại toà, bên liên quan, Sacombank đề nghị HĐXX không chấp nhận đề xuất trên của VKS về việc thu hồi tài sản 185 Hai Bà Trưng. Ngân hàng này cho biết nhận thế chấp thửa đất 185 Hai Bà Trưng và cho Công ty Diệp Bạch Dương vay tiền sau khi công ty này hoàn tất thủ tục sang tên từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thành Công ty Diệp Bạch Dương.

Đến nay, khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương vẫn chưa được trả và việc cho vay của ngân hàng đúng luật. Ngân hàng là bên thứ 3 ngay tình khi thực hiện giao dịch này. Do đó, đề nghị HĐXX giải quyết để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng theo đúng quy định của điều 138 BLHS 2015.

Trên giấy tờ, tài sản này cấp cho pháp nhân Công ty Diệp Bạch Dương, chứ không phải cấp cho bà Diệp. Vì vậy việc kê biên tài sản này theo phía ngân hàng là không phù hợp với quy định của luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm