Kinh doanh đa cấp bất chính là một kế hoạch, một âm mưu. Theo Hiệp hội Bán hàng trực tiếp Hoa Kỳ: “Để mọi người đều có lợi, đòi hỏi mạng lưới phải mở rộng vô cùng, tức là có vô số người sẵn sàng tham gia. Điều này không có thật, do vậy mạng lưới đến một lúc nào đó sẽ sụp đổ vì không tuyển được người mới và hầu hết những người trong mạng lưới khi đó sẽ mất tiền”.
Bán hàng chỉ là vỏ bọc, giá bán rất cao
Với bán hàng đa cấp bất chính, việc bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng chỉ là thứ yếu, thậm chí là vỏ bọc cho việc tuyển người vào mạng lưới. Vì vậy nền tảng của việc kinh doanh không còn, lợi nhuận thực sự không có và cũng giống kim tự tháp bị vỡ phần móng, mô hình tất yếu phải sụp đổ.
Để tạo uy tín cho người tiêu dùng và mở rộng quy mô tiêu thụ, DN kinh doanh đa cấp chân chính luôn phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm có tính năng ưu việt, vượt trội so với sản phẩm cùng loại khác. Trong khi đó, đối với DN kinh doanh đa cấp bất chính, việc bán sản phẩm chỉ là bán quyền tham gia mạng lưới, bán quyền tuyển dụng người khác. Để chiêu dụ mạng lưới, DN đưa ra mức hoa hồng rất cao, lợi ích hấp dẫn. Vì vậy mà giá cả sản phẩm không tương xứng với giá trị sử dụng vốn có và thường rất cao so với giá bán sản phẩm tương tự trên thị trường. Với giá cả cao như vậy, người tiêu dùng thuần túy sẽ không chấp nhận mua sản phẩm của DN kinh doanh đa cấp, vì thế sản phẩm chỉ bán được cho những người muốn tham gia (hoặc đã tham gia) mạng lưới.
Như vậy, người muốn tham gia bán hàng đa cấp nên tự hỏi rằng: Nếu không có chuyện nhận hoa hồng từ đa cấp thì liệu mình có bỏ tiền ra mua sản phẩm này để tiêu dùng hay không?
Lấy tiền người sau để “nuôi” người trước
Trong kinh doanh đa cấp chân chính cũng có việc tuyển người nhưng việc tuyển đó nhằm mục đích đào tạo họ thành những phân phối viên có khả năng tổ chức bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng. Phân phối viên kinh doanh đa cấp chân chính hướng đến việc tiếp thị, bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, kinh doanh đa cấp bất chính cũng có bán lẻ sản phẩm nhưng thực chất việc bán lẻ sản phẩm chỉ hướng đến những người muốn tham gia mạng lưới chứ không hướng đến người tiêu dùng thuần túy (người tiêu dùng cuối cùng). Người kinh doanh đa cấp bất chính chủ yếu chiêu dụ, tuyển dụng người khác tham gia mạng lưới.
Trong thời gian chưa sụp đổ, kinh doanh đa cấp bất chính hoạt động theo nguyên tắc lấy tiền người đến sau chia cho người đến trước và DN; do đó chỉ cần mỗi người thuộc tầng thấp nhất trong mạng lưới đóng góp một ít tiền thì những người thuộc tầng trên và DN sẽ được hưởng các khoản lợi ích rất lớn.
Không nhận lại hàng “ế”
DN kinh doanh đa cấp chân chính sẽ thực hiện chính sách mua lại sản phẩm mà phân phối viên không bán được. Tất nhiên giá mua lại sẽ thấp hơn giá DN đã bán cho phân phối viên vì DN phải tốn chi phí cho việc xuất kho-nhập kho, kiểm tra, bảo quản sản phẩm... nhưng các chi phí này phải ở mức hợp lý (DN chịu trách nhiệm chứng minh vấn đề này trước cơ quan quản lý). Do đó cam kết và việc thực thi nghiêm chỉnh cam kết mua lại sản phẩm luôn là một trong những dấu hiệu phân biệt kinh doanh đa cấp chân chính và kinh doanh đa cấp bất chính.
Thông thường luật pháp các nước quy định DN kinh doanh đa cấp phải mua lại sản phẩm với mức giá không thấp hơn 90% số tiền phân phối viên đã trả khi mua sản phẩm đó và phân phối viên chỉ có quyền yêu cầu DN mua lại sản phẩm khi chấm dứt hợp đồng phân phối với DN. Nhưng ở một số nơi trên thế giới, trách nhiệm mua lại sản phẩm được quy định rất khắt khe nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của người tham gia. Ví dụ: Bang Puerto Rico và Maryland (Hoa Kỳ) quy định DN phải mua lại hàng hóa của phân phối viên nếu phân phối viên không thể bán được hàng hóa đó trong vòng ba tháng kể từ ngày mua của DN; hoặc bang Georgia quy định DN phải mua lại sản phẩm không thể bán được (trên thị trường) nếu chúng được trả lại trong vòng một năm kể từ ngày DN ngừng bán sản phẩm đó.
Với bán hàng đa cấp bất chính, người bán thường cung cấp thông tin sai lệch mới có thể bán được sản phẩm với giá cao. DN hứa hẹn nhưng không thực thi nghiêm chỉnh chính sách mua lại sản phẩm nhằm chiếm đoạt tiền mua hàng. Điều này khó nhận biết vì đến khi người tham gia đa cấp không bán được hàng, không chiêu dụ được người tham gia... mà đồng loạt quay lại đòi trả hàng thì hệ thống bắt đầu sụp đổ và DN cũng ôm tiền biến mất!
Khuyến cáo mà Cục Quản lý cạnh tranh vừa đưa ra ngày 4-3 cũng nhấn mạnh “sản phẩm cần phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Nhà phân phối có quyền yêu cầu DN mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. DN bán hàng đa cấp có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối. Ngoài thời hạn này, DN không có nghĩa vụ mua lại sản phẩm đã bán cho nhà phân phối”.