“Năm 2013, kết thúc việc học và trở về nước, đây cũng là năm mà chả cá bẩn (hàn the, chloramphenicol, urê, cá ươn thối làm chả cá) được các phương tiện truyền thông nhắc đến hằng ngày. Mình suy nghĩ: Tại sao không làm chả cá nhỉ? Là người được học ngành hóa sinh, được nghe những nghiên cứu về cơ chế tạo dai của chả cá trong một số hội thảo tại Nhật, lại có cơ hội thưởng thức những sản phẩm chả cá Kamaboko. Hai cơ duyên ấy đã đưa mình thực sự đến với chả cá” - Nguyễn Thu Hồng, người sáng lập chả cá Kamaboko tại Việt Nam, chia sẻ.
Tại sao không làm chả cá!
Năm 2013, Hồng kết thúc khoảng thời gian ba năm học tại Nhật Bản, trở về nước với công việc trái ngành. Lúc đó các phương tiện truyền thông đưa nhiều thông tin liên quan đến chả cá bẩn, chả cá hàn the… Hồng đã suy nghĩ rất nhiều, băn khoăn rất nhiều: “Tại sao không là chả cá nhỉ?”.
Là người được học ngành hóa sinh, được nghe những nghiên cứu về cơ chế tạo dai của chả cá trong một số hội thảo tại Nhật, được thưởng thức chả cá tại Nhật ở nhà một vị giáo sư mỗi dịp xuân về, chính bản thân Hồng cũng bị hấp dẫn bởi các sản phẩm đó. Mỗi lần ăn Hồng lại nói với thầy: “Em sẽ phát triển chả cá tại Việt Nam”.
Không để những kiến thức được học bị mai một, tháng 8-2013, Hồng viết email cho giáo sư về ý định của mình với ham muốn rằng dân tộc Việt cũng sẽ có những sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng như dân tộc Nhật. “Vậy là sau hai ngày chờ đợi, vị giáo sư kia đã gửi thư lại cho mình và nói thầy sẵn lòng hỗ trợ. Vui mừng vì được thầy ủng hộ nhưng mình cũng xác định được rằng thời gian sau đó sẽ là chuỗi ngày khó khăn và thử thách” - Hồng tâm sự.
Nguyễn Thu Hồng nhận giải thưởng nữ sáng lập xuất sắc nhất tại cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2016. Ảnh do nhân vật cung cấp
Không cho phép mình nản chí hay bỏ cuộc
Ngày ấy, tuy có trong tay bản luận văn dày cộp của “tiền bối” nhưng mọi sự không đơn giản. Rất nhiều khó khăn khi tiến hành. Về nghiên cứu, trang thiết bị cho lĩnh vực chuyên sâu này chưa được nghiên cứu ở nước ta. Hồng cứ phải ghép dụng cụ này với dụng cụ kia, thiết kế hệ thống thí nghiệm thiếu thốn đến tội nghiệp. Về kiến thức, dù cô có kiến thức hóa sinh nhưng kiến thức sâu về bản chất protein này thì chưa có nền tảng nên dù có đọc tài liệu, bắt chước thì vẫn không thể nào làm được. Do đó trong chín tháng đầu, dù ngày nào Hồng cũng vùi đầu vào nghiên cứu nhưng không một lần thành công.
Thế nhưng đến tháng thứ 10 có một tín hiệu vui, dù nhỏ thôi nhưng nó cũng là động lực để Hồng bước tiếp. Lúc đó cô đã rất vui mừng và ngay lập tức viết thư, gửi hình ảnh cho giáo sư xem. ông ấy chỉ đáp: “Trông giống sản phẩm chả cá Trung Quốc rồi đấy Hồng-san”. Đó cũng là lý do quan trọng để Hồng quay lại Nhật tập trung cho khóa học ngắn hạn.
Tháng 8-2014, Hồng sang Nhật bắt đầu khóa học mới. Từ đây cô bắt đầu cho những chuỗi khó khăn tiếp theo. “Lúc đó mình gặp khó khăn về kinh phí, vì tất cả vốn cỏn con sau du học về mình đã đầu tư cho cả năm nghiên cứu. Nhưng mình vẫn khẳng định với giáo sư là mình có thể lo được khi giáo sư hỏi “bạn đủ kinh phí không?”. Giáo sư hứa sẽ hỗ trợ vé máy bay, chỗ ở, còn tiền ăn, đi lại ở đó mình tự lo. Nghe xong mình rất mừng và quyết tâm phải nắm lấy cơ hội này” - Thu Hồng nhớ lại.
Để có tiền trang trải cho cuộc sống bên đó, Hồng đã tranh thủ tìm cách kiếm thêm. Biết thực khách là bạn bè của mình tại Nhật thích ăn chả cá nên cứ mỗi chuyến đi cô lại mang 30-40 kg chả cá để bán với giá 400.000 đồng/kg. May mắn cho Hồng là hải quan Nhật chỉ hỏi những ai mang chả thịt, chả giò, hành tỏi, trái cây chứ chả cá Kamaboko (liên quan đến cá) thì không sao cả. Hồng đã kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt như thế.
Vậy là cứ học một chút lại sáng lên một chút, cuối cùng Hồng cũng hoàn thành phần trong phòng thí nghiệm. Cô tiếp tục xin thầy được thực hành tại công ty sản xuất chả cá lớn nhất của Nhật - nơi thầy làm chuyên môn. Thầy đã xin lãnh đạo công ty và cho cô gặp trực tiếp vị CEO của công ty này. Đây là một vị CEO thật đáng kính, thông minh và rất hiền từ. Ông rất ấn tượng với nhiệt huyết đeo đuổi chả cá của Hồng. Có điều muốn phát triển lĩnh vực này, trước hết bản thân hãy là một chuyên gia. Sau đó, Hồng mời được một nhà đầu tư, một CEO Việt Nam đồng hành cũng thích lĩnh vực này qua Nhật. Đó là cách thu ngắn con đường của Hồng.
Chả cá Nhật, nguyên liệu Việt hình thành
Kết thúc việc học, Hồng trở về Việt Nam bắt tay ngay vào việc với mong muốn sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Do không có kinh nghiệm trong sản xuất và bán buôn, đồng thời một mình cũng không thể vừa làm việc ở văn phòng vừa làm chả cá để bán. Nếu một ngày chỉ ngủ có 2-3 tiếng thì sau một thời gian rất ngắn tự mình sẽ đào thải mình vì không có sức nào có thể chịu được… Và Hồng tiếp tục thất bại.
Rồi cô hiểu là phải thay đổi chiến lược và cần phải có một đội ngũ hỗ trợ. Thế là đội ngũ nhân viên bán chả cá ra đời. Mỗi người một việc, có hoạch định rõ ràng. Ai trong nhóm cũng cam kết chịu khổ và trung thành với mục tiêu của dự án. Sau một thời gian khó khăn để duy trì nhóm, đội quân của Hồng đã tiếp cận được nhà đầu tư tầm cỡ có cùng nhiệt huyết vì cộng đồng. Chính anh này đã cùng Hồng qua Nhật để gặp gỡ vị giáo sư và CEO của công ty sản xuất chả cá hàng đầu tại Nhật để hợp tác phát triển chả cá tại Việt Nam. “Sau ba năm vùng vẫy, bây giờ mình mới thực sự là “start - up” để thực hiện ước mơ đưa sản phẩm khỏe, dinh dưỡng đến với cộng đồng” - Hồng nhớ lại.
Hỏi Hồng tại sao lại là thương hiệu Nhật, nguyên liệu Việt, Hồng chia sẻ: “Mình sử dụng công nghệ Nhật từ nghiên cứu bài bản để tạo sản phẩm chả cá Việt (hương vị Việt, nguyên liệu Việt) cho nên sản phẩm dinh dưỡng và an toàn. Với lại mình muốn để thương hiệu như thế vì rất mang ơn những người bạn Nhật, dù mình mới chỉ có ý tưởng thôi mà họ đã giúp đỡ mình hết sức có thể. Mình gọi họ là những ông tiên đấy. Nói thật, nếu không có họ, mình không biết có thể làm được như hiện tại không nữa”.
Ý tưởng này giúp Nguyễn Thu Hồng nhận được giải thưởng nữ CEO xuất sắc nhất tại cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2016.
Ở các nước họ dành đồ ngon nhất cho nước họ, tại sao mình lại không? Đến bây giờ, mình biết con đường phía trước còn nhiều gian truân nhưng mình chỉ có hai ham muốn (không là mong muốn nữa). Một là người Việt mình cũng được sử dụng sản phẩm dinh dưỡng, các sản phẩm sạch. Hai là mình mong muốn những nghiên cứu dù là những nghiên cứu về vấn đề nhỏ như mình đang làm nhưng cũng có thể thực tế hóa để nó không bị gọi là bàn giấy nữa - nhà nghiên cứu trẻ như bọn Hồng có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư. Mình đã thấy ở quốc gia mà mình từng đến, họ dành sản phẩm ngon nhất cho dân tộc của họ. Vậy tại sao mình không thể làm điều tương tự cho Việt Nam mình? NGUYỄN THU HỒNG |