“Im mồm và đứng yên đấy” - người phụ nữ mặc áo choàng đen và trùm khăn đen lạnh lùng nói với những người đàn ông cầm vũ khí đứng sau lưng. Ngay lập tức, họ ổn định trật tự, chỉnh lại vũ khí và đứng thẳng lưng.
Trong khi đó, người phụ nữ này đeo một khẩu súng ngắn Beretta 9 mm trong bao da dưới cánh tay trái. Khẩu súng cũng đã gỉ màu sơn. Bà ngồi xuống, bắt đầu trả lời phỏng vấn PV hãng tin CNN.
Người phụ nữ được nhắc tới có tên Wahida Mohamed, 39 tuổi nhưng được biết đến nhiều hơn với tên gọi Um Hanadi. Bà Um Hanadi là chỉ huy một nhóm khoảng 70 người hoạt động ở Shirqat, một thị trấn ở Iraq, cách TP Mosul chừng 80 km về phía nam.
Um Hanadi là một trong những người khiến IS khiếp vía nhất ở Iraq. Ảnh: CNN
Bà và đội quân của mình thuộc lực lượng dân quân các bộ lạc. Họ đã trợ giúp lực lượng quân chính phủ đẩy lùi bọn khủng bố IS ra khỏi thị trấn. Ở vùng nông thôn Iraq, nơi đàn ông thống trị, rất hiếm phụ nữ cầm súng.
“Tôi bắt đầu cầm súng chống bọn khủng bố vào năm 2004, làm việc với lực lượng an ninh Iraq và liên quân” -bà Um Hanadi kể - “Tôi đã bị đe dọa bởi những lãnh đạo hàng đầu IS, trong đó có Abu Bakr (al-Baghdadi) nhưng tôi không chùn bước”. Bà nói tiếp: “Tôi là người bị săn lùng gắt gao nhất, thậm chí còn hơn cả thủ tướng”.
Um Hanadi đã nhẩm tính số lần phiến quân gài bom trước cửa nhà mình.
“2006, 2009, 2010, ba xe bom năm 2013 và 2014” - bà nói. Người chồng đầu tiên của bà thiệt mạng trong một trận đánh. Rồi bà tái hôn nhưng IS tiếp tục giết chết người chồng thứ hai của bà hồi đầu năm nay. Chúng còn tàn sát cả cha và ba anh trai của Um Hanadi. Bản thân bà cũng nhiều lần thoát chết trong gang tấc.
“Chúng cố ám sát tôi sáu lần” - bà kể - “Trong đầu tôi, trong chân còn găm mảnh đạn, còn xương sườn thì bị gãy”.
Um Hanadi vừa nói vừa kéo chiếc khăn trùm đầu ra, chỉ cho PV CNN thấy vết sẹo của mình. “Nhưng tất cả điều đó không ngăn tôi ngừng chiến đấu” - bà cương quyết.
Um Hanadi là người dẫn dắt một nhóm dân quân khoảng 70 người đàn ông. Ảnh: CNN
Um Hanadi cho biết bà đã dẫn dắt nhóm dân quân trong nhiều trận đánh giáp mặt với IS. Tướng Jamaa Anad, chỉ huy các lực lượng mặt đất tại tỉnh Salahuddin, quê nhà của Um Hanadi, cho biết chính quyền đã cung cấp phương tiện và vũ khí cho nhóm dân quân. Tướng Anad nói ngắn gọn: “Bà ấy đã mất anh em, còn chồng là liệt sĩ”.
Sau khi điểm lại tất cả vụ tấn công và sát hại những người thân yêu thiệt mạng trong tay IS, Um Hanadi nói: “Tôi đánh chúng. Tôi chặt đầu và nấu lên, thiêu xác chúng”. “Đây là bằng chứng” - bà nói với PV CNN - “Anh có thể xem trên Facebook của tôi”.
Trên Facebook của nữ chỉ huy này có rất nhiều ảnh bà chụp chung với người chồng đã chết, các binh sĩ, tướng lĩnh. Cũng có tấm ảnh bà mặc áo choàng đen, trùm khăn đen, tay cầm một thứ gì đó giống như thủ cấp vừa bị chặt. Một tấm khác chụp hai cái đầu đang nấu trong nồi. Một tấm nữa chụp bà đứng giữa vài cái xác đang thiêu dở.
Um Hanadi tự nhận mình là một người nội trợ. Bà phủ nhận thông tin mình là thợ làm tóc như những gì truyền thông loan tin, mặc dù trên trang Facebook của bà có một tấm ảnh bà không trùm khăn đứng trong tiệm tóc.
Um Hanadi có hai con gái, 22 tuổi và 20 tuổi. Cả hai con gái bà đều được huấn luyện để chiến đấu nhưng giờ đang bận trông nom con cái.
Um Hanadi từng nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Ảnh: Daily Mail
Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, nhóm của Um Hanadi chuẩn bị lên xe tải. PV CNN tới gần một trong các xe tải đang đậu với ba người đàn ông đang ngồi ở buồng lái. Một người lôi ra một quả lựu đạn, nói: “Cái này dành cho Daesh”. Daesh là từ ngữ miệt thị để nói về IS. “Còn cái này là để chặt đầu chúng” - người tài xế nói. Người này còn lôi ra một con dao rựa dài và giơ trước mặt PV.
Tuần trước, Um Hanadi nói với tờ Al Sabah rằng chính tay bà đã giết chết 18 kẻ khủng bố. “Chúng tôi chiến đấu cùng nhau như một gia đình” - bà nói thêm, theo Daily Mail.