Bà Rịa-Vũng Tàu bàn việc sửa quy định tách thửa đất

Quyết định (QĐ) 23/2017 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) quy định về việc tách thửa đất trên địa bàn tỉnh chỉ sau một năm đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Do vậy, cuối tuần qua, UBND tỉnh BR-VT tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để nghe Sở TN&MT báo cáo dự thảo sửa đổi quy định này. 

Siết chặt diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa

Đại diện Sở TN&MT cho biết mục đích của việc sửa đổi nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy định về tách thửa để phân lô, bán nền; tránh thất thu ngân sách; quy định rõ trách nhiệm các ngành trong quản lý xây dựng đô thị và phù hợp với thực tế từng địa phương.

QĐ 23 gồm 10 điều thì ở dự thảo lần này có bảy khoản của sáu điều được đề nghị sửa đổi, bổ sung. Trong đó tập trung vào các quy định nhằm siết chặt hạn mức, diện tích (DT) đất tối thiểu và điều kiện để được tách thửa.

Chẳng hạn, đối với thửa đất có DT nhỏ hơn 500 m2, khi tách thửa được thực hiện theo QĐ cũ (QĐ 23). Đối với thửa đất có DT 500-2.000 m2 trước khi tách thửa, chủ sử dụng phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cấp huyện phê duyệt. Đối với thửa đất có DT lớn hơn 2.000 m2, trước khi tách thửa phải lập dự án đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng việc bổ sung nội dung trên có thể gây tác động theo hai mặt. Một mặt tạo thuận lợi cho người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa khu đất tiếp giáp đường giao thông hiện hữu; mặt khác lại gây khó khăn cho địa phương trong quản lý quy hoạch đã được duyệt.

Đối với đất nông nghiệp, tại khoản 2 Điều 4 quy định đất thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp, các thửa đất sau khi tách có DT tối thiểu không nhỏ hơn 500 m2 tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, TP và trung tâm huyện Côn Đảo; không nhỏ hơn 1.000 m2 đối với địa bàn các xã còn lại.

Thời gian qua tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan diễn ra trên nhiều địa bàn tỉnh BR-VT. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Có nên quy định hạn mức riêng?

Việc sửa hai nội dung trên đã nhận được nhiều ý kiến phản biện từ các địa phương.

Cụ thể, lãnh đạo thị xã Phú Mỹ cho rằng điều chỉnh như vậy sẽ làm hạn chế quyền của người dân. Bởi có người có đến 3.000-5.000 m2 đất, trong khi QĐ 23 cũ quy định người dân vẫn có quyền tách thửa. Từ đây, lãnh đạo thị xã Phú Mỹ đề xuất nếu đất đã phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng, làm hạ tầng xong, được cấp huyện phê duyệt thì nên cho phép người dân tách thửa theo tiêu chuẩn.

Tương tự, lãnh đạo huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ cũng cho rằng quy định DT tối thiểu 2.000 m2 ở hai địa phương này là chưa phù hợp. Bởi tại đây nhiều người dân có đất với DT lớn hơn nhiều và cũng có nhu cầu phân lô, tách thửa chính đáng.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, lại đồng thuận với dự thảo. Ông cho hay TP Vũng Tàu hiện chưa phủ hết quy hoạch chi tiết 1/500 và nhiều năm nữa cũng chưa chắc thực hiện được. Nếu để người dân tự ý căn cứ vào DT để tách thửa thì đô thị một thời gian sau sẽ bị băm nát.

Ngoài ra, hiện TP Vũng Tàu còn vướng khi cho những trường hợp DT đất 500-2.000 m2 xin tách. Theo quy định trước đây, muốn tách thửa thì đất phải có quy hoạch là đất giao thông rồi chuyển mục đích sang đất giao thông, tuy nhiên người dân không thể thực hiện được. Vì vậy, TP đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định Sở cũng băn khoăn quy định DT tối thiểu 2.000 m2 hay bao nhiêu là phù hợp. Sở đã tham khảo ở các địa phương khác nhưng không có quy định chung cụ thể.

Sau khi nghe ý kiến các bên, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đưa ra gợi ý: “Vậy có nên quy định đối với riêng TP Vũng Tàu, DT tối thiểu được tách không phải lập dự án là 500-2.000 m2. Còn các địa phương khác từ 500 m2 đến 5.000 m2”. Gợi ý này được các địa phương tỏ ý đồng thuận và có thể được chỉnh sửa vào trong dự thảo trình đợt tới.

Nội dung QĐ 23 của tỉnh BR-VT

1. DT tối thiểu:

- DT và kích thước đất ở đã xây dựng nhà ở:

Tại địa bàn các phường: DT 45 m2 đối với thửa đất có cạnh tiếp giáp đường giao thông ≥ 5 m; chiều sâu thửa đất ≥ 5 m, đường phố có lộ giới > 20 m; DT 36 m2 đối với thửa đất có cạnh tiếp giáp với đường giao thông ≥ 4 m, chiều sâu ≥ 4 m, đường phố có lộ giới < 20 m; tại thị trấn, các xã và huyện Côn Đảo: DT 40 m2 đối với thửa đất có chiều sâu và có cạnh tiếp giáp với đường giao thông ≥ 4 m.

- DT và kích thước đất ở chưa xây dựng nhà ở:

Các xã, phường, thị trấn thuộc đô thị và trung tâm huyện Côn Đảo: DT 60 m2, có cạnh tiếp giáp đường giao thông ≥ 5 m, chiều sâu ≥ 5 m. Các xã còn lại và khu vực khác của huyện Côn Đảo: DT 100 m2 và có cạnh tiếp giáp với đường giao thông ≥ 5 m và chiều sâu ≥ 5 m.

 - Đối với đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: DT 100 m2 và có cạnh tiếp giáp với đường giao thông ≥ 5 m.

2. Đối với đất nông nghiệp: DT tối thiểu thửa đất mới và DT tối thiểu thửa đất còn lại sau khi tách thửa đất là 500 m2.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.