Ủy ban Giải thưởng Kova vừa công bố kết quả giải thưởng Kova lần thứ 16 năm 2018. Bà Trần Thị Kim Thia, tên thường gọi là bà Sáu Thia (quê Đồng Tháp), 16 năm trời dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em được chọn trao giải ở hạng mục Sống đẹp.
16 năm trời, bà Trần Thị Kim Thia dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em vùng lũ
Bà Sáu Thia quê gốc Gò Công Đông, Tiền Giang. Năm 26 tuổi, cha mẹ bà lần lượt qua đời, bà bắt đầu đi làm thuê nuôi thân rồi lưu lạc đến vùng Tháp Mười lập nghiệp đến nay.
Tại đây, bà làm đủ thứ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình, bán vé số đến cả công việc đốn tràm, bốc vác vốn chỉ thuộc về cánh đàn ông. Bà tâm sự mỗi lần lũ về, nghe đài kêu có trẻ em đuối nước, lòng bà đau thắt lại. Nghĩ tới mấy đứa nhỏ vùng lũ ở đây nên bà đã quyết định dạy bơi miễn phí cho các em.
Bà Sáu Thia cùng các em trong hồ bơi dã chiến
Với tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, bà Sáu Thia sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để đổi lại việc trẻ em được biết bơi. Bà bảo nếu có chồng thì sẽ xao lãng việc dạy bơi cho lũ trẻ, chồng thì chỉ có một nhưng trẻ em thì có đến hàng ngàn. "Hạnh phúc của tôi là nhìn những đứa nhỏ biết bơi và không có đứa nào bị đuối nước", bà Sáu Thia tâm sự.
Đến nay dù đã ở tuổi 61 nhưng bà vẫn sống thui thủi một mình trong căn nhà trống trước hở sau, thế nhưng bà chưa bao giờ bà hối hận với quyết định của mình. Mỗi lần đến khóa dạy là bà bỏ tất cả công việc khác, toàn tâm toàn ý dạy bơi cho bọn trẻ. Tại địa phương bà được trẻ con yêu mến, phụ huynh, địa phương tin tưởng.
Không chỉ có bà Sáu Thia mà lần này miền Tây còn có hai người được trao tặng giải thưởng Sống đẹp nữa. Một trong số đó là ông Nguyễn Hồng Dân (tên thường gọi là Ba Dân, 51 tuổi). Điều khiến người ta cảm phục là trong suốt những năm vừa qua, người đàn ông khuyết tật này đi bán từng tờ vé số và dùng số tiền kiếm được để vá lại những đoạn đường hư hỏng.
Ông Dân kể hồi hai tuổi cơn sốt đã khiến một bên chân ông bị teo tóp lại, việc đi lại không thuận tiện. Trong một lần đi bán vé số ở Bình Dương, ông chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ ổ gà, ổ voi trên đường. Từ đó ông nảy ra ý định đi dặm vá đường với mong muốn phần nào hạn chế được tai nạn đáng tiếc cho người tham gia giao thông.
Dù chân đi lại khó khăn nhưng ông Ba Dân quân không quản cực nhọc đi vá từng ổ voi, ổ gà trên đường.
Khi về Cần Thơ, hai vợ chồng ông thuê nhà trọ tại Bình Thủy, vợ bán tạp hóa, còn ông hàng ngày đi bán vé số. Đi bán vé số, ông thấy đoạn đường nào hư hỏng là ông ghi chú lại, rồi dần gom tiền đi mua cát, đá, xi măng vá đường. Nhiều người thấy việc làm của ông ý nghĩa nên đã đóng góp ít nhiều. Tuy vậy, cũng không ít ánh mắt chế giễu ông tật nguyền mà còn lo chuyện thiên hạ. Nhưng ông không nhụt chí vì đối với ông, giúp mọi người tránh được tai nạn là một niềm vui vô cùng to lớn.
Người miền Tây thứ ba được vinh danh sống đẹp là bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Vĩnh Long) vì đã dạy học miễn phí cho hơn 700 em có hoàn cảnh đặc biệt: Thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, tâm thần nhẹ suốt 19 năm qua.
Giải thưởng Kova là giải thưởng uy tín được công bố hàng năm do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Chủ tịch Tập đoàn Kova sáng lập vào năm 2002. Từ năm 2012, giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng. Lễ trao Giải thưởng Kova hàng năm là dịp tôn vinh những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước với sự tham dự của các cấp lãnh đạo Trung ương, Thứ trưởng các bộ, các cơ quan, ban ngành và các đơn vị truyền thông, báo chí. Năm 2018, lễ trao giải được mở rộng với quy mô hơn 1.200 đại biểu và khách mời, được tổ chức long trọng tại thủ đô Hà Nội vào ngày 24-11 tới. |