Sáng 2-2, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) cùng các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản tại Công ty PVP Land tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS.
Do bị trục trặc đường truyền, hệ thống loa tuyền từ phòng xử đến phòng làm việc dành cho báo chí bị ngắt khoảng 30 phút đầu tiên.
Xuyên suốt quá trình tranh luận, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định có đủ căn cứ để truy tố tám bị can về tội tham ô tài sản.
Trong đó, Trịnh Xuân Thanh là người quyết định cử bị cáo Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh đại diện vốn tại PVP Land, là người gián tiếp quản lý vốn của PVC tại PVP Land. Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định trong việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị đặt cọc.
VKS đang đối đáp tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình
Trong phần đối đáp trước đó, các LS đưa ra căn cứ rằng bị cáo không phạm tội tham ô. Tuy nhiên, căn cứ kết quả xét hỏi tại tòa cho thấy Trịnh Xuân Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định trong việc chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị đặt cọc, tạo ra chênh lệch giá để chiếm đoạt giá trị 87 tỉ đồng. Trên thực tế, các bị cáo đã chiếm đoạt và chia nhau 49 tỉ đồng, trong đó Thanh hưởng lợi 14 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, theo quy chế của PVC cùng các lời khai tại tòa, việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land phải báo cáo Trịnh Xuân Thanh, bị cáo là người quyết định.
Về số tiền 14 tỉ đồng, lời khai của bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương và một số người liên quan về quá trình nhận tiền từ Thái Kiều Hương chuyển cho Trịnh Xuân Thanh đều phù hợp với nhau. Bị cáo Thanh cũng khai nhận có nhận vali tiền từ lái xe của mình nhưng không đếm cụ thể bao nhiêu.
Về đề nghị thực nghiệm số tiền 14 tỉ đồng vào vali, đại diện VKS cho rằng căn cứ lời khai của Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng và một số người liên quan phù hợp với nhau về việc Trịnh Xuân Thanh nhận và chuyển chiếc vali tiền vào nhà. Sau khi cơ quan CSĐT khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thái Kiều Hương yêu cầu Đinh Mạnh Thắng trả lại, sau đó Thắng báo cho Trịnh Xuân Thanh và đến văn phòng Thanh nhận tiền chuyển lại cho Hương. Sau khi trả lại tiền, Thanh có bảo Thắng dặn Hương giữ bí mật về việc chuyển và nhận số tiền này.
Có căn cứ xác định Thanh và Thắng trả lại 19 tỉ đồng cho Thái Kiều Hương, sau đó Hương chỉ đạo chuyển 14 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Vietsan. “Số tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau, do đó không có căn cứ khẳng định 14 tỉ đồng này do Trịnh Xuân Thanh nhận và trả lại. Yêu cầu thực nghiệm là không có cơ sở” - đại diện VKS nói.
Đối với Đào Duy Phong, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm cho rằng bị cáo này có các hành vi thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng. Bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm, thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng nhưng chỉ nhận phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chứ không phải tham ô. Thế nhưng căn cứ vào các tài liệu và quá trình xét hỏi cho thấy việc truy tố tội tham ô là đúng người đúng tội, đề nghị trả hồ sơ của luật sư là không có căn cứ.
Tương tự, đối với Nguyễn Ngọc Sinh và các bị cáo còn lại, việc VKSND Tối cao tuy tố về tội tham ô tài sản là đúng người đúng tội.
Trong đó, bị cáo Đinh Mạnh Thắng có vai trò giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh phạm tội. Theo đề nghị của Thái Kiều Hương, Thắng đã thông báo với Thanh về việc có khách muốn chuyển nhượng cổ phần của PVP Land; nhận 14 tỉ đồng từ Hương để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh và trực tếp hưởng lợi 5 tỉ đồng. Bị cáo biết rất rõ 19 tỉ đồng này là hưởng lợi từ việc chuyển nhượng cổ phần với giá trị chênh lệch.